Văn hóa - Nghệ thuật
“Sáng mãi vầng nhật nguyệt” tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: Sự giao thoa giữa cải lương truyền thống và hiện đại
Ngoài cốt truyện lấy từ trong chính sử để khán giả hôm nay hiểu thêm về một đoạn lịch sử thời Trần, vở cải lương “Sáng mãi vầng nhật nguyệt” (kịch bản Trần Hồng Vân, chuyển thể cải lương Đăng Minh, do Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Giang Mạnh Hà đạo diễn) còn tạo ấn tượng đối với người xem bởi sự giao thoa giữa cải lương truyền thống và lối dàn dựng hiện đại trong từng phân cảnh.
Một bước tiến về nghệ thuật ca - diễn kết hợp vũ đạo trên sân khấu cải lương để hòa nhịp với sự đổi mới của cải lương thời hiện tại, là thành công đầu tiên khi Nhà hát Cao Văn Lầu “khoe sắc” ở sân chơi lớn này.
Dấu ấn từ những tuyến vai lịch sử
Thành công trước hết là khi mạnh dạn chọn một tuồng tích khá nổi tiếng, từng được dàn dựng nhiều lần trước đó, Nhà hát Cao Văn Lầu đã tái hiện lại hình ảnh An Tư công chúa cùng với những tuyến vai liên quan khá ấn tượng trong “Sáng mãi vầng nhật nguyệt”.
Nói “mạnh dạn chọn” vì câu chuyện về công chúa An Tư từng được khai thác khá nhiều trên sân khấu Việt Nam từ những thập niên 50, 60 thế kỷ trước. Đây là tấm gương liệt nữ thời Trần, một công chúa đã hy sinh hạnh phúc lứa đôi và cả tính mạng để bảo toàn cho triều đại, cho muôn dân. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Như Huỳnh từng được nhiều khán giả ưu ái phong tặng danh hiệu “hoa hậu cải lương” với lợi thế sắc vóc đã thể hiện tròn vai một công chúa sắc nước hương trời, cùng với phong thái ca - diễn toát lên thân phận cao quý đã chấp nhận hy sinh tình yêu, với những phân đoạn diễn nội tâm đầy chiều sâu.
Cốt truyện đưa khán giả trở về thời điểm đầu năm 1285, một lực lượng lớn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ hai. NSƯT Giang Tuấn trong trong vai Thoát Hoan đã tỏ rõ tính khí hung hãn ngay khi màn nhung mở ra với màn cướp bóc, giết dân vô tội vạ. Sau đó, lại tiếp tục thể hiện đầy thuyết phục ở các phân cảnh một tướng hùng khi sa vào mỹ nhân kế cũng không thoát khỏi sự u mê, ngu muội.
Dù xuất hiện không nhiều, nhưng nghệ sĩ Lâm Minh Nghiêm trong vai Trần Kiện, một tôn thất nhà Trần đê hèn bỏ trận quy hàng, làm tay sai cho giặc cũng ấn tượng bởi sự gian xảo, mưu mô, đớn hèn. Trần Quốc Toản do nghệ sĩ Hải Đăng thủ vai cũng khá tròn trịa với khí tiết sáng ngời. Nghệ sĩ Diễm My trong vai vương phi Vân Cát (vợ của Thoát Hoan) vừa uy nghi trong vị thế là một phu nhân nhưng cũng chất chứa đầy hờn ghen, khổ hận trong phận nữ nhi thường tình...
Nỗi đau đớn của Thượng hoàng Trần Thánh Tông (do nghệ sĩ Vĩnh Sơn đóng) khi quyết định đem em gái của mình làm mỹ nhân kế; hay sự bất lực của vua Trần Nhân Tông (do NSƯT Phạm Anh Chàng đóng) trước sự hung hãn của kẻ thù không thể làm gì phải chấp nhận để cha đưa cô ruột của mình đi cống giặc làm kế hoãn binh..., tất cả từng nhân vật lịch sử đã được các nghệ sĩ tái hiện tròn vai.
Một số cảnh trong vở cải lương “Sáng mãi vầng nhật nguyệt”.
Cách tân cho cải lương
Câu chuyện hy sinh thân mình, dùng mỹ nhân kế để hoàn thành đại nghiệp giữ nước của các nàng công chúa như Huyền Trân, An Tư… rất giàu ý nghĩa, đầy kịch tính, nhưng cũng khá quen thuộc với khán giả yêu sân khấu cải lương, bởi đã được dàn dựng khá nhiều, và cũng “gặp nhau” khá nhiều ở mỗi mùa liên hoan! Làm sao để đổi mới, đem lại sức hấp dẫn cho vở diễn chính là vấn đề mà Nhà hát Cao Văn Lầu tính đến khi chọn vở này.
Dung hòa, đan xen các chi tiết có ghi trong chính sử kết hợp với dã sử, hư cấu hình tượng nhân vật, và dưới bàn tay đạo diễn của NSND Giang Mạnh Hà - người đã tham gia đạo diễn hơn 200 vở diễn, Nhà hát Cao Văn Lầu đã mang đến Liên hoan một vở diễn mang thông điệp ngợi ca những tấm gương hy sinh vì nghĩa lớn, bi hùng mà vẫn mềm mại, lãng mạn. Sân khấu hiện lên tráng lệ, đẹp lung linh từng khung hình, đặc biệt là phần múa minh họa. Những màn xử lý múa của các nữ diễn viên được chăm chút khá kỹ lưỡng khi hóa thân thành chiếc thuyền hoa chở công chúa qua sông, hay khi hóa thành ngọn lửa rực sáng cảnh công chúa tự đốt mình dẫn đường cho quân nhà Trần truy kích tướng giặc…
Cuộc đời của An Tư công chúa trong lịch sử còn nhiều góc khuất, tuy nhiên khi được tác giả, đạo diễn đưa lên sân khấu, ấn tượng đọng lại chính là một bi kịch mang màu sắc lãng mạn. Nghĩa cả và tình riêng với những chi tiết hư cấu qua sự ca diễn tâm huyết của từng nghệ sĩ đã ít nhiều thuyết phục khán giả hôm nay về sự hy sinh của người liệt nữ trong quá khứ.
Hơn một nửa số vở diễn tại Liên hoan là nói chuyện các vương triều trong lịch sử, như Công chúa Huyền Trân (Nhà hát Truyền thống tỉnh Nam Định), Hào kiệt Lam Sơn (Công ty TNHH và tổ chức sự kiện Thiên Long), Lưu Vong (Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân), Khúc Tráng ca thành Gia Định (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Chói rạng Sơn Hà (Sân khấu Sen Việt)..., và trong xu hướng cách tân, đổi mới sân khấu cải lương truyền thống, thì “Sáng mãi vầng nhật nguyệt” của Nhà hát Cao Văn Lầu chắc chắn gặp không ít đối thủ ở sân chơi này.
“Như mục tiêu từ đầu đặt ra, Nhà hát Cao Văn Lầu tham gia Liên hoan với tinh thần học hỏi, giao lưu để tự hoàn thiện mình. Công sức của anh em, tâm huyết của cả ê-kíp thì luôn đầy, nhưng thành tích như thế nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chi phối”, Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu - Văn Công Diệp cho biết. Thật vậy, ở sân chơi lớn này, không chỉ đòi hỏi tâm huyết và niềm đam mê mà còn có những yếu tố ngoại lực tác động. Như Nhà hát cải lương Việt Nam, năm nay là lần đầu tiên vắng mặt, mặc dù đây là đơn vị lần nào Liên hoan cũng đều ít nhất có 1 vở lấy được Huy chương Vàng! NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ chia sẻ ngắn gọn: “Vì Nhà hát không có kinh phí để tham gia liên hoan”!
Mạnh dạn chọn một kịch bản đã từng được Nhà hát Chèo Hà Nội dựng tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022 đoạt nhiều thành tích (với tên gọi “Trung trinh liệt nữ”), sau đó Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục dàn dựng với tên gọi “Vì nghĩa nước non” diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2023, coi như đây là sự thử sức của Nhà hát Cao Văn Lầu ở sân chơi lớn này. Trong chừng mực nguồn đầu tư còn khiêm tốn so với nhiều đơn vị nghệ thuật trên cả nước thì đây cũng được xem là sự cọ xát để đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Cao Văn Lầu tự chiến thắng chính mình.
Bài và ảnh: Cẩm Thúy
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh