Văn hóa - Nghệ thuật
San sẻ trong đời thường
Sáng nay, con đường dẫn vào khu chợ vẫn nhộn nhịp, tấp nập người, xe và đầy khói bụi như mọi ngày. Cái nắng của mùa này đã bắt đầu gay gắt. Mới hơn 9 giờ sáng mà đã thấy nóng lưng rồi. Vậy mà có người còn đi bộ. Một phụ nữ tuổi độ chừng 40 dẫn theo đứa bé khoảng 5 tuổi, đi lượm ve chai, nhưng trông họ ăn mặc luộm thuộm như những người khốn khó vậy.
Dừng lại trước một quán ăn. Người phụ nữ lui cui tìm thứ gì đó trong thùng rác. Có lẽ chị định kiếm những thứ có thể bán ve chai được. Còn đứa nhỏ thì đi vào quán rồi thẳng đến chỗ hai người đàn ông đang ăn. Thấy nó đứng nhìn 2 tô hủ tiếu không chớp mắt là biết ngay nó đang đói bụng. Nhưng mẹ của nó thì không để ý đến cái bụng đói của nó. Còn chủ quán thì xua tay kêu nó đi ra ngoài để cho khách ăn. Cái nắng ở chợ càng về trưa thì càng thêm nóng, bởi không có đủ những bóng cây như ở vườn.
Người phụ nữ nhặt ve chai và đứa con nít còn chưa đi khỏi thì quán ăn lại có khách. Một chiếc xe đạp bán kem - bánh mì dừng lại ngay cửa. Một ông tuổi trên 50 bước vào quán ngồi, tay giở nón chùi mồ hôi trên mặt lia lịa. Chắc ông cũng sốt ruột chờ tô hủ tiếu của chủ quán bưng ra. Nhưng mắt của ông vẫn nhìn về phía chiếc xe kem của mình. Người phụ nữ đang bươi bươi, móc móc thùng rác. Còn thằng nhỏ thì đứng đó nhìn bọc bánh mì bên cạnh thùng kem. Như hiểu được cảnh đói bụng của đứa con nít, ông liền đứng dậy bước ra chiếc xe rồi làm cho thằng bé một ổ bánh mì dồn kem. Thấy ông cho, nó lẹ làng cầm lấy, vừa ăn vừa cảm ơn. Mẹ nó thấy vậy quát nó: “Tiền đâu mà mua bánh ăn vậy?”. Bà dứt lời thì ông bán kem phân trần: “Là tôi cho nó cô ơi. Tôi biết nó đói bụng nên tôi cho, cô đừng la rầy nó tội nghiệp”. Nói rồi ông lại trở vô quán để xử lý cái bụng đói của mình. Tô hủ tiếu của ông, chủ quán đã đem ra chờ ông tự lúc nào không biết.
Có lẽ ông cũng là một người nghèo. Chiếc xe kem - bánh mì ấy là thứ để nuôi sống gia đình ông. Nhưng tấm lòng của ông thì không hề nghèo.
Cuộc sống bao giờ cũng có những cảnh đời khác nhau. Nếu như có người được ăn sang mặc sướng, nệm ấm chăn êm, thì cũng còn đó những cảnh đời nghèo khổ, neo đơn, bất hạnh. Ông bà ta thường nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bởi vậy, cuộc sống này sẽ càng ý nghĩa hơn nếu mỗi người chúng ta có sẵn một tấm lòng bao dung, rộng lượng để san sẻ với những người khốn khó hơn mình. Hạnh phúc và niềm vui không chỉ để nhận, mà đôi khi ta cần phải cho đi.
Trần Thị Thùy Linh
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025