Văn hóa - Nghệ thuật
“Rượu vào, ca ra...”
Trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (gọi tắt là ĐCTT), có một hình thức trình diễn gọi là ca ra bộ. Nhìn vào cách chơi ĐCTT hiện nay ở một số nơi, nhất là thường thấy ở vùng nông thôn, ca ra bộ vẫn còn được “trình diễn” trong các tiệc tùng. Thế nhưng xung quanh đó có đôi điều cần lưu ý!
Trong nhiều tài liệu tìm hiểu về nghệ thuật ĐCTT, ca ra bộ được diễn giải là một hình thức nghệ thuật được phát triển lên một bước, là gạch nối của quá trình chuyển dần từ hình thái âm nhạc đơn thuần sang sân khấu diễn xuất để nội dung gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật, và thỏa mãn được nhu cầu nghe - nhìn (nghe ca và xem diễn). Trong ca ra bộ có phân vai, thay phiên nhau nhiều người ca, người thì ca vai này, người ca vai khác, có thêm yếu tố diễn xuất...
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Ảnh minh họa: H.T
Căn cứ vào cách diễn giải trên, ta thấy ở các đám tiệc bây giờ, người ta vẫn hay “ca ra bộ”, nghĩa là không còn ca một mình mà “sắm vai” và tự phân vai cho nhau để “biểu diễn” ở không gian đó. Rất phổ biến là những trích đoạn của những vở cải lương, tuồng tích quen thuộc được người ta biểu diễn, giao lưu cùng nhau. Điều đáng nói là, hình như, ở những tiết mục này, nhất định phải là lúc “tửu hậu”, nghĩa là khi rượu vào thì ca mới ra, bộ mới thành! Nhưng, cũng đáng tiếc là lúc ấy, không ít người đã quá chén, “phần rượu” chiếm lĩnh “phần ca”, cho nên ca ra bộ nói riêng, một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tầm nhân loại nói chung, lại được trình diễn ở một không gian có vẻ hơi xô bồ!
Ngày trước, khi chưa có trang thiết bị đầy đủ như bây giờ thì đám tiệc muốn có một sòng ĐCTT, đòi hỏi phải có đủ nghệ nhân đờn, tài tử ca thì mới gầy sòng mà cùng chơi. Và tính cách chơi cũng có vẻ nho nhã hơn. Còn ngày nay, với những trang thiết bị tiện nghi hơn, những bài bản của ĐCTT gần như có sẵn “nhạc nền” nên người ta cứ tra Google và ca hát thỏa thích. Từ đó, đám tiệc ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, hình như ca hát nói chung, ca vọng cổ, ĐCTT nói riêng, cũng dễ dàng hơn. Nhưng cũng từ đó, không gian trình diễn của nghệ thuật ĐCTT đôi khi không còn đúng bản chất vốn có. Nhất là khi người ta đã quá chén và “rượu vào, ca ra” chứ ít chịu chơi lúc tỉnh táo, vì... chưa có hứng?!
Ở một góc nhìn nào đó, thì không gian của rượu bia hòa với tiết mục “ca ra bộ” của những người đã không tự chủ được hành động của mình (say xỉn quá đà) đã làm mất đi ít nhiều giá trị thực chất của một loại hình nghệ thuật mang tầm nhân loại.
NHẬT QUỲNH
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc