Rộn ràng hoạt động mừng Ngày Sân khấu Việt Nam

Thứ Sáu, 29/09/2017 | 16:07

Dù ở vị trí nào trong nghề, từ những hậu đài, phụ trách âm thanh cho đến đào - kép chánh…, họ vẫn luôn cống hiến hết mình cho sân khấu. Mỗi năm, vào Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), cũng là dịp để họ nhìn lại quãng đường làm nghề đã qua, mà tri ân và quyết tâm cống hiến nhiều hơn nữa! 

Vào những ngày trung tuần tháng 8 âm lịch, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, sân khấu cải lương nói riêng lại tất bật chuẩn bị các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là ngày để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tưởng nhớ đến Tổ nghiệp, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của các thế hệ “hậu bối” dành cho các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu. Hơn nữa, qua hoạt động này còn tôn vinh nền sân khấu nước nhà, động viên và đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của sân khấu Việt Nam. Từ đó khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ phấn đấu có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Phúc khảo chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam. Ảnh: N.V


Để kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 7, đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ tỉnh nhà đã chuẩn bị một chương trình nghệ thuật thật công phu, hấp dẫn. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động như: thắp hương, viếng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm, tổ chức nghi thức cúng lễ tại Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, giao lưu giữa các đồng nghiệp để thắt chặt tình đoàn kết…
Bước lên sân khấu, người nghệ sĩ có thể hóa thân thành các ông hoàng, bà chúa cao sang khi khoác lên người xiêm y lụa là, hay người dân ở mọi giai tầng trong xã hội. Giữa ánh đèn sân khấu, khán giả sẽ thấy những vai diễn lấy trọn nước mắt hay những tràng cười nghiêng ngả, nhưng sau bức màn nhung ấy, bao hỉ - nộ - ái - ố giữa đời thường vẫn vây lấy họ. Sau tất cả những khoảnh khắc khóc - cười cùng vai diễn, có mấy ai nhớ đến họ khi đến lúc buộc giã từ ánh đèn sân khấu… Và, dù cho “biến hóa” như thế nào, thì điều cuối cùng họ mong muốn đó là cống hiến hết mình trong từng lời ca, vai diễn... Tiết mục ca cảnh “Sau bức màn nhung” do các diễn viên, nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu thể hiện trong chương trình nghệ thuật như muốn gửi trọn tâm tư người nghệ sĩ đến khán giả, để mong nhận về nhiều hơn sự sẻ chia.
Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm nay còn là dịp để nhiều diễn viên trẻ “trình làng” các tác phẩm mình đang tập luyện chuẩn bị tham dự các giải tài năng nghề sắp tới. Điển hình như: trích đoạn “Đêm hội Long Trì” do Hồng Nhiên thủ vai; trích đoạn “Đêm Lam Sơn” do Anh Chàng - Hoàng Dững thể hiện; hay báo cáo với lãnh đạo ngành VH-TT&DL những giọng ca đạt thành tích cao đoạt giải cao tại các game show, cuộc thi trong thời gian qua, cụ thể là: Yến Chi trong ca khúc “Một mình thôi”; Lâm Ngọc Hoa với tác phẩm “Phận tơ tằm”, Hoàng Dững với tiết mục ca múa “Tằm vương tơ”… 
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.