Quan Lộ hay Quản Lộ?

Thứ Sáu, 03/08/2012 | 19:17

Kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp là con kinh nối liền từ một đoạn sông ở tỉnh Cà Mau lên đến Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Kinh này qua các huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu. Nhưng con kinh này được một số nhà nghiên cứu cho rằng có tên là Quan Lộ - Phụng Hiệp chớ không phải Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do căn cứ vào sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam hoặc vài bản đồ in thời Pháp thuộc. Trong sách nêu trên còn ghi rõ: “Gọi Quan Lộ vì kinh này khởi nguồn từ rạch Quan Lộ” (sách đã dẫn, Đông Phố, 1973, trang 268).

Con kinh này quả thật bắt nguồn từ con rạch đó nhưng trong thực tế, tên con rạch này là Quản Lộ (một ông hương quản tên là Lộ). “Hương quản” là một chức việc ở làng ngày xưa, có nhiệm vụ lo việc an ninh, gọi tắt là ông quản. Thời Pháp thuộc, “hương quản” là vị hương chức số 7 trong Ban hội tề; muốn được cử chức này, phải từng làm chức “thủ bộ”.

Và con kinh này nối tới Ngã Bảy thuộc huyện Phụng Hiệp (tên gọi trước đây - nay thuộc thị xã Ngã Bảy).

Nếu gọi xuôi chiều từ nơi bắt đầu đào đến nơi kết thúc thì phải gọi là kinh Phụng Hiệp - Quản Lộ bởi bắt đầu đào từ Ngã Bảy và kết thúc vào nơi tiếp giáp với rạch Quản Lộ. Nhưng do đã quen gọi là kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Lại có cách gọi tắt là kinh Quản Lộ (theo sách đã dẫn của Sơn Nam thì lại gọi là kinh Quan Lộ).

Sở dĩ một số sách nghiên cứu (trong đó có sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam) ghi là Quan Lộ là vì ghi theo bản đồ in thời Pháp thuộc. Việc bản đồ in “tam sao thất bổn” địa danh là chuyện quá thông thường, kể cả bản đồ ngày nay. Một ví dụ điển hình về việc thay đổi cách gọi do bản đồ thời Pháp in địa danh là địa danh Trần Đề. Nguyên địa danh này là Trấn Di, bản đồ ghi là Tran De, nhiều người đọc bỏ dấu thành Trần Đề (chớ không phải ở đây có nhân vật họ Trần, tên Đề nào đó).

Đối với địa danh Quản Lộ, việc bản đồ “quên” bỏ dấu hỏi xem ra là một sơ sót nhỏ nhưng lại làm cho một số nhà nghiên cứu (thông qua tài liệu văn bản) nhầm theo.

Thật ra “quan lộ” là một từ có nghĩa (là “con đường”). Do là từ có nghĩa nên càng dễ gây nhầm lẫn. Có một từ tương đương khác là “đường cái quan”.

Nhưng không nên nhầm “quan lộ” với “hoạn lộ”. “Hoạn lộ” là đường làm quan, nghĩa khái quát là đường công danh của người làm quan nào đó. Đừng vì thấy từ “hoạn” hơi “lạ” mà sửa “hoạn lộ” lại thành “quan lộ “ thì quả là không nên!

Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp được khởi công vào năm 1905, đoạn bắt đầu từ Ngã Bảy (TX. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang); nơi kết thúc giáp với rạch Quản Lộ thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 140km; đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bạc Liêu dài 48,5km (qua 3 huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân).

Ban đầu, con kênh này được đào bằng thủ công từ Ngã Bảy đến Phố Dương; đến năm 1908, tiếp tục được nạo vét thêm và đào tiếp đến rạch Quản Lộ bằng xáng. Do được đào bằng xáng nên còn được gọi là kênh xáng. Gọi là Ngã Bảy bởi vì từ đây là nơi giao nhau giữa các sông rạch và kênh xáng như sông Cái Côn, sông Búng Tàu, rạch Mang Cá, rạch Lái Hiếu, xẻo Môn, xẻo Dong, kênh xáng Sóc Trăng - Phụng Hiệp (chạy dọc theo Quốc lộ 1A).

Do là đầu mối giao thông đi đến nhiều nơi nên dân cư đến ở và lập chợ khá sớm (năm 1915). Riêng tại Ngã Bảy, do có chợ nên được gọi là thị tứ Phụng Hiệp thuộc làng Phụng Hiệp.

Năm 1917, quận Phụng Hiệp được thành lập trên cơ sở 2 tổng Định Hòa và Định Phước. Quận lỵ đặt tại làng Phụng Hiệp thuộc tổng Định Hòa (chính là Ngã Bảy ngày nay).

Năm 2005, thành lập TX. Tân Hiệp nhưng chỉ 1 năm sau được đổi tên lại là TX. Ngã Bảy, bỏ cái tên mới, xa lạ.

Tuy đã có đơn vị hành chính Ngã Bảy nhưng địa danh Phụng Hiệp vẫn còn tồn tại. Đó là huyện Phụng Hiệp có 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 3 thị trấn (Cây Dương - thị trấn huyện lỵ, thị trấn Búng Tàu, thị trấn Kinh Cùng) và 12 xã, trong đó lại có xã có tên là Phụng Hiệp.

Cần chú ý tránh sự nhầm lẫn giữa địa danh Ngã Bảy đang đề cập với sông Ngã Bảy ở huyện Cần Giờ (TP. HCM). Sông Ngã Bảy này đã có từ rất lâu đời, được sử sách triều Nguyễn viết bằng chữ Hán gọi là Thất Kỳ Giang. Đó là nơi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại lực lượng của chúa Nguyễn Ánh do tướng Tống Phước Thiêm cầm quân (năm 1782). Nguyễn Huệ đã dùng hỏa công đánh tan 400 chiến thuyền của tướng Tống Phước Thiêm và cả 4 tàu Tây do Manuel (chữ Hán viết là Mạn Hòe) chỉ huy, riêng Manuel cũng bị thiêu cháy cùng tàu.

Thông thường, kênh đào được đào thẳng (nhất là nhìn trên bản đồ). Trên thực tế, tuy cơ bản là được đào thẳng nhưng vẫn có một số đoạn kênh đào là “nương” theo lòng sông rạch đã có sẵn. Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng thế. Trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, chỉ có đoạn thuộc tỉnh Bạc Liêu là thẳng, còn đôi chỗ thuộc tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng cũng “quam quam”, riêng đoạn gần tới TP. Cà Mau do nương theo con rạch sẵn có là rạch Quản Lộ nên độ cong càng cao (dĩ nhiên đã được nạo vét và mở rộng ra thêm so với trước đây), sau đó mới tiếp tục đào thẳng thông kênh ra sông Gành Hào (thuộc phường 7, TP. Cà Mau).

Chính tại đoạn rạch Quản Lộ này (nhưng đã mang tên là kênh Quản Lộ hoặc Quản Lộ - Phụng Hiệp), trong thời gian gần đây, một số nơi đã có hiện tượng bị bồi lấp, lòng kênh cạn, tàu chở hàng hóa từ TP. HCM, Cần Thơ về khi đi ngang qua đây khá khó khăn (thuộc xã An Xuyên, TP. Cà Mau).

Một điều khá ngẫu nhiên là tuy từng gọi nhầm là Quan Lộ (đường lộ) nhưng hiện nay, cũng có đường bộ tên là đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Con đường này chạy dọc theo kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, cũng từ TP. Cà Mau đến TX. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang (quen gọi là Phụng Hiệp).

Do là đường bộ ở đồng bằng nên con đường này được nắn thẳng hơn kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài gần 112km, ngắn hơn tuyến kênh nêu trên gần 30km. Được khởi công vào cuối năm 2005, hiện đã hoàn thành cơ bản phần đường chính gần 104km và 75 cầu. Phần còn lại đến nay đã hoàn thành 50% khối lượng. Trong năm 2012, Bộ GT-VT đã ghi vốn cho tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được 130 tỷ đồng, Ban quản lý dự án sẽ ưu tiên thi công hoàn thiện gói 21 (đoạn mở rộng nội đô TP. Cà Mau) và kiến nghị Bộ cho ứng vốn trước của năm 2013 để hoàn thành Dự án trong năm nay.

Trên thực tế, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đã được thông xe từ nhiều tháng qua. Đây là con đường “tắt” từ Cà Mau lên các tỉnh phía Bắc ĐBSCL, TP. HCM (gọi là đường tắt vì sẽ khỏi phải đi đoạn Quốc lộ 1A qua TP. Bạc Liêu và TP. Sóc Trăng), ngắn hơn tuyến đường bộ Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau khoảng 40km. Nhưng xe khách (xe đò) tuyến Cà Mau - TP. HCM hầu như chưa khai thác tuyến này mà vẫn đi ngã Bạc Liêu, Sóc Trăng bởi dọc theo tuyến đường này, dân cư còn thưa thớt, các dịch vụ sửa chữa xe máy, ôtô rất ít nên lượng xe lưu thông chưa nhiều, nhất là về ban đêm còn thưa vắng nhưng cái chính là hành khách truyền thống vẫn thuộc các tuyến đường quen thuộc, vì vậy mà họ vẫn “quen đường cũ”.

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.