Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022:​ Khởi sắc từ sức dân

Thứ Hai, 24/10/2022 | 15:50

Chính nhờ sự phối hợp của Ban chỉ đạo các cấp, ban, ngành liên quan và vận động được toàn dân tham gia mà phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và việc xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, ấp, khóm, cơ quan, đơn vị ngày càng khởi sắc. Làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại là hiệu quả lớn nhất của phong trào.

Phường Láng Tròn (TX. Giá Rai) đạt chuẩn văn minh đô thị. Ảnh: H.T

Từ các danh hiệu văn hóa…

Có 512/512 khóm, ấp duy trì và giữ vững danh hiệu văn hóa bền vững, con số này thể hiện rất rõ hiệu quả của phong trào trong những năm qua. Năm 2022, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, nếp sống văn hóa được củng cố. Đặc biệt, môi trường văn hóa trong gia đình ngày càng được quan tâm, góp phần phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại.

Cùng với việc chú trọng các danh hiệu văn hóa, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng được quan tâm, giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng; đặc biệt là những hành vi thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Từ nhiều hình thức như: tổ chức họp dân, đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, công khai họp dân, họp tổ để nhận xét chấm điểm công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và việc thực hiện các phong trào hành động cách mạng của quần chúng tại địa phương..., phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhà Văn hóa - Thể thao ấp 1A (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) khang trang, sạch đẹp. Ảnh: M.Đ

…Đến lồng ghép các phong trào

Phong trào TDĐKXDĐSVH còn song hành với nhiều phong trào, tiêu biểu là đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2022, các ngành, các cấp tăng cường vận động Nhân dân tích cực tham gia chương trình phục hồi kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; phối hợp với các đoàn thể vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động các doanh nghiệp triển khai các chương trình an sinh xã hội... nhằm hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, người yếu thế ổn định cuộc sống; mô hình “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo” cũng được các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình hưởng ứng.

Cùng với phong trào TDĐKXDĐSVH, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật tại khu dân cư. Để các hoạt động ở khu dân cư đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, quy ước ấp, khóm tiếp tục được xây dựng mới và được các cấp chính quyền quan tâm phê duyệt để áp dụng thực hiện trên địa bàn các khu dân cư, đến nay toàn tỉnh đã có 512/512  khóm, ấp xây dựng quy ước hoạt động.

Bên cạnh đó, xây dựng “Người tốt - việc tốt” cũng là một trong những phong trào quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua. Ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu rộng từ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thông qua nhiều hình thức thi đua khen thưởng, bình xét gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương điển hình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11) hằng năm. Phong trào TDĐKXDĐSVH tại các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc như: hộ bà Lý Thị Bông (khóm 2, Phường 3, TP. Bạc Liêu) là doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội của địa phương; hộ ông Trần Diệu Cường (khóm 3, Phường 5, TP. Bạc Liêu) được khen thưởng nhiều năm liền với thành tích có các con ăn học thành tài; hộ bà Phạm Thị Liễu (khóm 4, Phường 3, TP. Bạc Liêu) tích cực hưởng ứng phong trào không mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè...

Môi trường xã hội văn minh, nếp sống, ứng xử văn hóa được nâng lên tại các nơi công cộng, nhiều thuần phong mỹ tục được vun đắp, các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ, nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước được khắc phục, tình hình an ninh trật tự tại địa phương luôn ổn định... Tất cả là hiệu ứng của phong trào TDĐKXDĐSVH khi có được sự đồng thuận giữa chính quyền và Nhân dân.

NHẬT QUỲNH

Một số kết quả đạt được của phong trào trong năm 2022

- Công nhận 205.553/215.428 gia đình văn hóa, đạt 95,4%.

- Công nhận 793/881 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 90,01%.

- Duy trì và giữ vững 512/512 ấp, khóm văn hóa trên toàn tỉnh, đạt 100%.

- Công nhận 6 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay là 51/64 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, phường, thị trấn đạt chuẩn “Đô thị văn minh” đạt 79,7%. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 78 ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.