Phật giáo Bạc Liêu: Những đóng góp trong phát triển văn hóa và du lịch

Thứ Tư, 04/10/2017 | 16:10

Từ trong những cuộc kháng chiến giữ nước đến thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Phật giáo luôn giữ vững và phát huy tốt châm “đồng hành cùng vận mệnh dân tộc”. Tại Bạc Liêu, Phật giáo đã và đang có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là chung tay với tỉnh nhà thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự phát triển ngành Du lịch.
Sau khi Nghị quyết 02 về “đẩy mạnh phát triển du lịch” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra đời, Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình hành động phát huy tiềm năng và khai thác thế mạnh ngành “công nghiệp không khói”. Hòa chung xu thế cùng tỉnh nhà, Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với đặc thù của tổ chức. Theo đó, chỉ đạo hệ thống Giáo hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tu sửa, nâng cấp, kiến thiết các công trình Phật tích để tạo điểm đến phục vụ văn hóa tín ngưỡng và du lịch.

Đông đảo du khách thập phương tham dự lễ hội tại Khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T     


Hiện, Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu quản lý 118 ngôi chùa thuộc 3 hệ phái được UBND tỉnh công nhận, gồm: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Trong đó, nhiều ngôi chùa là di tích lịch sử mang nét đẹp nghệ thuật kiến trúc, văn hóa độc đáo và được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, khu vực ĐBSCL. Từ năm 2012 - 2017, hơn 90% cơ sở tự viện đầu tư kinh phí trùng tu, xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình. Đến nay, một số công trình đã hoàn thành như: 32 tượng hóa thân Bồ tát tại Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), tượng Bồ tát cao 43m tại chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi), ngôi giảng đường tại chùa Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình)… “Cùng với các hệ phái khác ở Bạc Liêu, Phật giáo Nam tông Khmer rất chú trọng việc tôn tạo, xây dựng các công trình kiến trúc. Được lãnh đạo tỉnh, ngành VH-TT&DL quan tâm hỗ trợ và sự chung tay góp sức của đồng bào Khmer nên diện mạo chùa ngày càng khang trang. Nhờ đó tạo điều kiện để chùa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của phum sóc. Đặc biệt là thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung, địa phương nói riêng”, Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), chia sẻ.
Mỗi năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt sinh hoạt đạo tràng, hoằng pháp. Ngoài nội dung về giáo lý, hoạt động này cũng lồng ghép giáo dục phật tử chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, chung tay với ngành Văn hóa nâng cao nhận thức, hành động của phật tử trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn dân cư, phát huy nét văn hóa đặc trưng của người Bạc Liêu: hiếu khách - văn minh - lịch thiệp đối với du khách. 
Đặc biệt, Giáo hội duy trì tổ chức các hoạt động mang sắc màu Phật giáo như: lễ hội Quan âm Nam Hải, vía Quán thế âm Bồ tát, đại lễ Phật đản… thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự. Thông qua các lễ hội văn hóa này đã mang về cho Bạc Liêu lượng khách rất lớn mỗi năm, thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ du lịch phát triển như: lưu trú, vui chơi, ẩm thực, tham quan… 
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà với tinh thần “hộ quốc, an dân” đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và phát huy tốt tinh thần gắn bó với dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nổi bật là nhiều ngôi chùa được tu bổ, tôn tạo khang trang góp phần bảo tồn nét văn hóa kiến trúc độc đáo của dân tộc. Trong đó, nhiều ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia, là điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong xu thế hội nhập, Phật giáo cần tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức tốt đẹp để đóng góp cho đời sống xã hội, cho sự phát triển của quê hương Bạc Liêu”.
Với truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, Phật giáo Bạc Liêu đã, đang và sẽ ra sức gìn giữ và phát dương quang đại bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiếp tục có những đóng góp lớn vì sự phát triển của du lịch tâm linh Bạc Liêu.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.