Nỗi niềm tài tử đờn ca

Thứ Sáu, 08/07/2016 | 16:25

Phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Bạc Liêu ngày càng lan tỏa rộng khắp và trở thành nếp sinh hoạt gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Việc duy trì nếp sinh hoạt ấy được xem là một cách gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT đã được thừa nhận! Thế nhưng, có những câu chuyện mà những người xem đờn ca như “máu thịt” cảm thấy vô cùng chạnh lòng. Nếu không vì niềm đam mê dẫn lối, có lẽ họ sẽ không trụ lại với nghề, bởi cụm từ “sống bằng nghề” chưa bao giờ mang lại hy vọng cho họ.

Hoàng Phỉ (bìa trái) đánh đờn bầu trong chương trình Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống 2015. Ảnh: N.V 

Bạc Liêu có 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Số nghệ nhân được phong tặng chỉ đếm trên đầu ngón tay so với đội ngũ hùng hậu đang hoạt động rộng khắp trên địa bàn tỉnh. 53 cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu này, nhưng chỉ có 17 người được đề tên trên “bảng vàng”. Số còn lại chỉ biết chạnh lòng “chắc mình chưa tới lượt”! Trọn một đời cống hiến cho ĐCTT, tâm nguyện duy nhất của họ chỉ đơn giản là sự ghi nhận cho xứng tầm. Thế là đủ!
Những tài tử kỳ cựu trong “làng” ĐCTT Bạc Liêu đều có thâm niên trên 30 năm gắn bó với nghề. Có người 7 - 8 tuổi đã bén duyên cùng ĐCTT. Cứ trôi dạt với "nghiệp cầm ca", họ để cho trái tim mình say cùng tiếng đờn và bật ra tiếng lòng. Tiếng lòng ấy có lúc vui tươi, lúc trầm tư như chính cái nghiệp mà họ đã chọn. Khá nhiều cuộc đời và sự nghiệp của tài tử đờn, ca ở Bạc Liêu có cùng điểm chung: cống hiến một đời, nhưng cuối cùng cái nhận được chỉ là chút danh phận nhỏ nhoi không tương xứng với sự khổ công lao động của họ.
Nghĩ về cuộc đời và nghiệp cầm ca của mình, tài tử ca Ngô Kim Phiến (khóm 10, phường 1, TP. Bạc Liêu) không khỏi chạnh lòng: “Tôi đã có hơn 50 năm gắn bó với ĐCTT. Trước đây, tiếng ca của tôi đã từng vang khắp Nam kỳ lục tỉnh. Vậy mà, nhìn lại sự nghiệp của mình so với những gì thế hệ trẻ bây giờ nhận được, tôi tủi thân không ít”. Mới 8 tuổi cô Phiến đã theo thầy học ca. Cha mẹ mất sớm, buộc lòng cô phải dùng tiếng ca để mưu sinh. Cho đến hôm nay, cô đã xem ĐCTT như một phần máu thịt. Không ít lần cô Phiến rơi nước mắt vì nghề bạc bẽo, nhưng đã xác định dẫu thế nào cũng không thể bỏ nghề. Cống hiến hết mình là thế, nhưng dù đã 2 lần làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, vậy mà cô vẫn chưa được vinh danh.
Cũng như nhiều tài tử khác, tài tử đờn Hoàng Phỉ (ấp 1, phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) không khỏi chua chát khi chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Không đất sản xuất, Hoàng Phỉ chỉ biết bám lấy chiếc đờn bầu vừa để bầu bạn, vừa để tạo ra đồng tiền lương thiện “chở” gia đình mình vượt qua khó khăn. Trên 30 năm gắn bó với cây đờn, dù “tay nghề” của anh đã được công chúng thừa nhận, tại nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, hội thi văn nghệ lớn nhỏ của tỉnh đều có mặt Hoàng Phỉ, thế nhưng thành tích của anh vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. 
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT một cách hiệu quả, song hành cùng với việc phát triển phong trào đờn ca rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thì việc vinh danh, ghi nhận công lao những người “trót mang lấy nghiệp vào thân” một cách tương xứng với những gì họ “rút ruột” cống hiến, là việc làm cần thiết. Việc làm này vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo thêm động lực để các nghệ nhân đờn, ca tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa. 
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.