Văn hóa - Nghệ thuật
Những ngôi miếu mang dấu ấn người Hoa
Nếu bài Dạ cổ hoài lang nức tiếng xa gần và giai thoại về vị công tử Trần Trinh Huy “đốt tiền nấu trứng” làm nên danh tiếng vùng đất Bạc Liêu với du khách mỗi dịp được giới thiệu, thì nơi này còn thu hút nhiều khách thập phương bởi vẻ đẹp cổ kính của nhiều chùa chiền, những ngôi miếu trăm năm tuổi nép mình bên dòng kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau.
Chùa Vĩnh Triều Minh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) trong ngày Đại lễ Thánh đản Thành hoàng, kỷ niệm 130 năm thành lập chùa và lễ khánh thành trùng tu, tháng 6/2024. Ảnh: Gia Bảo
Chánh điện chùa Vĩnh Triều Minh (Thành hoàng cổ miếu). Ảnh: T.M
Bạc Liêu vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tiến trình khai hoang mở đất cho đến ngày nay. Bên cạnh hệ thống công trình kiến trúc của 2 dân tộc Kinh, Khmer, tại đây vẫn bảo tồn nhiều công trình mang đậm văn hóa người Hoa.
Trong đó, không thể không nhắc đến Phước Đức cổ miếu hay còn gọi là chùa Bang (đường Điện Biên Phủ, Phường 3, TP Bạc Liêu). Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu. Miếu được một nhóm người Hoa xây dựng vào năm 1824 sau khi chọn vùng đất Bạc Liêu định cư lâu dài. Năm 1903, bang Triều Châu được thành lập, đặt trụ sở tại Phước Đức cổ miếu nên còn gọi là chùa Bang. Có dịp đến thăm Phước Đức cổ miếu, bạn sẽ tận mắt thấy được một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa (Triều Châu) sống ở Bạc Liêu được xây dựng tròn 200 năm tuổi.
Cũng nằm trên đường Điện Biên Phủ, Phường 3, mặt hướng ra kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau như chùa Bang, là ngôi Thành Hoàng cổ miếu (chùa Vĩnh Triều Minh). Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1865, bên bờ kinh xáng thuộc làng Vĩnh Hương nên còn có tên dân gian là chùa Vĩnh Hương. Năm 1895, ngôi miếu này được trùng tu lại, và làm trụ sở Hội tương tế người Minh Hương với cái tên là “Vĩnh Triều Minh Hội quán”.
Phước Đức cổ miếu với đôi rồng chầu mặt trời được trang trí trên mái. Ảnh: T.M
Lưu giữ văn hóa người Hoa
Phước Đức cổ miếu thờ Ông Bổn - vị thần trong văn hóa người Hoa, có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp. Từ ngôi miếu nhỏ, sau nhiều lần trùng tu, ngôi miếu ngày nay vẫn lưu giữ nhiều chi tiết mang đặc trưng kiến trúc của người Hoa, có thể kể đến là: kiến trúc hình chữ 国 (quốc) - một lối kiến trúc cung đình (triều Minh, Trung Quốc); hệ thống cột, đầu kèo, đầu xiên, con đội, án thờ bằng đá và gỗ quý đều được chạm khắc công phu, tinh xảo bằng chữ Hán, mạ vàng thể hiện các chủ đề: tứ linh (long, lân, quy, phụng), cỏ cây, hoa lá, hình nhân và linh thú. Ngoài ra còn trang trí các hoành phi, câu đối được sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Trên nóc miếu gắn cặp rồng chầu mặt trời (lưỡng long triều dương) - hình ảnh phổ biến nhất được trang trí trên các đình miếu người Hoa. Mái lợp ngói ống, diềm mái bằng gốm tráng men xanh, cuối mái trang trí hoa văn hình long vĩ.
Còn Thành Hoàng cổ miếu thờ phụng Thành hoàng, các bậc tiền hiền đã có công khai phá và mở mang vùng đất từ nhiều thế kỷ trước. Trên bàn thờ Thành hoàng bổn cảnh là bộ lư đồng mắt tre có một không hai. Mái hiên được lợp bằng mái ngói âm dương ba lớp, các góc mái đều có trang trí hoa văn hình sóng uốn lượn. Ngoài ra, trong chùa còn chạm khắc các hoa văn như: thú, cây cảnh, lá và các vị tiên,… Phía trước khánh thờ Thành hoàng là một chiếc bàn dài bằng gỗ quý, chính giữa bàn để một chiếc lư đồng cao khoảng 70cm, đây là loại lư mắt tre quý hiếm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Thành Hoàng cổ miếu còn là nơi lưu giữ 16 loại binh khí chiến trận của các vị Thành hoàng cùng bức hoành được khắc dòng chữ Hán “Đức quán càn khôn” được làm vào năm 1897.
Tất cả các chi tiết được xây dựng bên trong cả 2 ngôi miếu đều có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh văn hóa trong xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ tín ngưỡng của người Hoa tại Bạc Liêu. Để tôn vinh những giá trị và góp phần bảo tồn những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc trưng văn hóa địa phương, Phước Đức cổ miếu và Thành hoàng cổ miếu đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Thanh Mai