Văn hóa - Nghệ thuật
Những gam màu tết
Bàn về tết Việt, nhiều người thường nghĩ ngay đến những nét đẹp trong văn hóa tết truyền thống gắn liền với hơn 4.000 năm văn hiến được lưu truyền qua bao thế hệ; hay tìm kiếm những nét tương đồng, dị biệt độc đáo trong việc chuẩn bị đón tết, du xuân của đồng bào khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhưng với tôi, ba ngày xuân sẽ kém sắc - hương - vị nếu thiếu đi những gam màu đặc trưng của tết.
Đó là màu xanh căng tràn nhựa sống khi vạn vật cỏ cây, hoa lá bắt đầu khoác lên mình chiếc áo non tơ lúc những cơn gió chướng trở ngọn. Mấy luống rau cải, dây bầu, dây bí, dưa hấu… mà ba trồng chuẩn bị dùng cho ba ngày tết cũng bắt bầu khoe màu xanh um của cành lá, trái non hứa hẹn mùa thu hoạch. Đám lá chuối mơn mởn sau vườn cũng sẵn sàng chờ người rọc để làm xanh hơn, đẹp thêm cho những đòn bánh tét, góp phần làm xôm tụ thêm cho ngày tết cổ truyền của người Nam bộ. Đó còn là màu của những nụ tầm xuân xanh biếc e ấp dưới cái lạnh sắt se của những ngày đầu xuân, màu của nhiệt huyết tuổi trẻ đang căng tràn trong những trái tim sục sôi cống hiến, xây dựng và bảo vệ quê hương…
Trong sắc xuân còn có màu trắng của nếp mới - nguyên liệu không thể thiếu để các bà, các mẹ tạo tác những chiếc bánh cổ truyền cúng tổ tiên, ông bà. Là màu đặc trưng của dưa giá, củ kiệu, dưa tỏi, đòn chả lụa hay lát mỡ heo vuông vức làm nên hương vị đặc trưng của nhân bánh tét những ngày đầu xuân. Màu của những chiếc bánh phồng quết khéo, thơm lựng, ấm nồng trong đêm giao thừa…
Tết sẽ đơn điệu và nhàm chán biết bao nếu thiếu đi sắc đỏ nồng nàn, quyến rũ. Đó là màu của những câu đối tết với những lời chúc như ý, thịnh vượng, an khang; màu của những chiếc bao lì xì mừng tuổi trẻ con rạng rỡ khoe nhau; màu của dưa hấu, tôm khô, mắm tép, khô trâu, khô biển… những sản vật đặc trưng làm nên phong vị tết cổ truyền. Đó còn là sắc màu ẩn trong những tà áo dài duyên dáng của những cô gái đương xuân rủ nhau trẩy hội mùa xuân, hái lộc, cầu duyên và ước mong cho một năm mới vạn điều như ý.
Mùa xuân còn là mùa của những cánh đồng trĩu hạt, những sân phơi đầy ắp thóc vàng - biểu tượng của sự ấm no, thịnh vượng; mùa của mai vàng, vạn thọ, hoa cúc tươi tắn dưới nắng xuân ngời; của những cánh đồng hoa cải vàng trải dài tít tắp hòa quyện với hương nhãn trổ muộn thơm lừng làm nồng nàn thêm hương vị tết của những xóm nghèo ven biển. Phố phường Bạc Liêu như bừng sáng hẳn lên bởi sắc vàng chủ đạo được dùng để trang trí tết với hàm ý ước mong một năm mới gặt hái nhiều thắng lợi mới, an khang, hạnh phúc, đủ đầy.
Cuộc sống hiện đại sung túc đã dần xóa nhòa ranh giới giữa tết chợ, tết quê khi mà hàng hóa phục vụ tết ngày càng đa dạng về màu sắc, chủng loại được bày bán khắp nơi. Màu sắc tết vì vậy mà có sự hòa quyện, đan xen của những gam màu mới, ít nhiều ảnh hưởng đến phong vị của tết cổ truyền.
Tái hiện lại không gian tết xưa, níu giữ những nét đẹp văn hóa tết cổ truyền cũng như những gam màu truyền thống làm nên sắc - hương - vị của những ngày xuân là việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa trong việc giúp mọi người thêm quý yêu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
KIM TRÚC