Văn hóa - Nghệ thuật
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương
Những bài học về nhân cách, đạo đức của ông bà dành cho con cháu, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con mình, anh chị em chia sẻ những chuyện buồn vui… phần nhiều trong bữa cơm gia đình, những ấm áp yêu thương ấy của các thành viên trong nhà mới có thể san sẻ cùng nhau…
Tầm quan trọng của bữa cơm gia đình luôn là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm. Năm nay chủ đề ấy vẫn được Bộ VH-TT&DL đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách phát động “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trên toàn quốc vào khung giờ: 17 - 19 giờ ngày 28/6/2017 với ý nghĩa khẳng định giá trị của mâm cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc, là nơi để gia đình sum họp, chia sẻ yêu thương. Làm sao để có được những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương? Chuyện tưởng nhỏ nhưng đó là cả một vấn đề đối với nhiều gia đình hiện nay!
Gọi là “vấn đề” bởi vì cuộc sống tất bật hiện tại gây khá nhiều khó khăn để có một bữa cơm gia đình với sự có mặt đầy đủ các thành viên. Vai trò đầu tàu có lẽ là người “nội tướng” trong gia đình. Chính người phụ nữ lúc này gánh một nhiệm vụ quan trọng để “nhóm lửa” cho những mâm cơm gia đình. Phụ nữ làm việc cũng tất bật không kém cạnh người chồng bên ngoài xã hội, nên họ bắt buộc phải xếp lịch việc công - việc tư làm sao để có thời gian “chợ búa”, rồi phải vào bếp chế biến những món ăn ngon. Hãy nhìn vào lịch làm việc của đại đa số chị em làm việc giờ hành chính, cũng sáng 7 giờ đến công sở, trưa 11 giờ về nhà, chiều 13 giờ làm việc đến 17 giờ tan ca. Vậy thì khi công việc cơ quan đã xếp lại, đến giờ đáng lẽ trở về mái ấm để nghỉ ngơi lại sức, các chị em phải tất bật chạy ra chợ, mua thực phẩm xong lại chạy vội về nhà để nấu nướng chiên xào cho kịp những bữa ăn… Không phải ai cũng có điều kiện để thuê người giúp việc, thế là vừa làm cán bộ nhà nước, nhiều chị lại kiêm luôn công việc “ô-sin” với trăm công ngàn việc không tên trong nhà. Những bữa cơm gia đình với cơm ngon canh ngọt là cả một vấn đề, đôi khi là sự thử thách đối với người “nội tướng” thời hiện đại bởi bản thân họ kiêm nhiệm, ôm đồm quá nhiều công việc. Chưa kể, trong gia đình có nhiều thế hệ, việc nấu nướng còn “trăm khổ ngàn khó” bởi tuổi tác khác nhau thì món ăn, khẩu vị cũng không giống nhau. Suy nghĩ sao cho có những bữa ăn ngon đối với tất cả các thành viên trong nhà là chuyện không hề dễ!
Đến khi tranh thủ nấu được những món ăn ngon, việc tập hợp các thành viên trong gia đình để cùng ngồi vào mâm cơm lại là vấn đề kế tiếp! Nhiều ông chồng lấy lý do họp hành trễ rồi tiếp khách cơ quan, lai rai cùng bè bạn ở quán xá đã bỏ mặc những bữa cơm gia đình mà người vợ đã bỏ công nấu nướng. Vậy là thiếu vắng một thành viên. Hoặc đến giờ cơm chiều, có khi lại đúng giờ đứa con đi học phụ đạo nhà cô giáo, thế là trước đó, đứa nhỏ phải bới tô cơm ăn vội vàng để kịp giờ học, vậy là thiếu vắng thêm một thành viên. Ở những gia đình ba thế hệ, chuyện ông bà lớn tuổi ăn cùng với con cháu càng không được nhiều người… hài lòng, người lớn được dọn những phần cơm riêng ở một góc riêng xem như một sự “chăm sóc đặc biệt”, nhưng đó cũng là lý do để bữa cơm gia đình thiếu vắng thành viên. Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, luôn chịu những thử thách trong cuộc sống hôm nay chính vì những nguyên nhân na ná như vậy.
Bên cạnh những khó khăn dành cho người nội tướng đúng nghĩa trong gia đình, lại có không ít người phụ nữ hôm nay thiếu kỹ năng chăm sóc gia đình, không coi trọng sự cần thiết của bữa cơm gia đình. Khi những cửa hiệu spa chăm sóc sắc đẹp mọc lên như nấm, những shop mỹ phẩm, áo quần luôn đông đúc khách hàng thì tất nhiên những quán ăn trưa văn phòng, quán cơm phần cũng mở ra nhiều hơn. Phụ nữ dành thời gian tự chăm sóc mình nhiều hơn, đàn ông bận tiệc tùng bên ngoài nhiều hơn (có thể vì lý do công việc hoặc “viện cớ”)… thì bữa cơm gia đình sẽ không còn ai quan tâm, chú trọng. Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương những tưởng dễ có nhưng không phải như vậy! Đó không đơn thuần là những bữa ăn mà còn là một thử thách lớn cho hạnh phúc gia đình thời hiện tại!
Bữa cơm gia đình với đầy đủ những thành viên là mô hình lý tưởng của gia đình truyền thống Việt Nam bất cứ thời đại nào. Không khí vui vẻ, hạnh phúc, ấm cúng, nơi để dành cho nhau sự quan tâm, san sẻ, nơi để người lớn dạy người nhỏ những bài học nhân cách con người, cách đối nhân xử thế... chính là bên mâm cơm gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình cần nhận thức đúng đắn ý nghĩa quan trọng của mâm cơm gia đình để dành thời gian cho nhau nhiều hơn. San sẻ công việc cùng nhau, sắp xếp thời gian hợp lý để “đầu tư” cho những bữa cơm sum họp gia đình, đó cũng chính là đầu tư cho hạnh phúc gia đình.
Cẩm Thúy