Nhà cổ tiếp tục “kêu cứu”

Thứ Tư, 05/07/2017 | 16:37

Trong khi nhà cổ được những nhà chuyên môn coi là tài sản vô giá để những tỉnh - thành phố sở hữu “ăn nên làm ra” trong du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thì ở Bạc Liêu, người dân đang “khổ vì nhà cổ” (báo Bạc Liêu số 2874 ngày 1/7/2017). Dù đã có những dự án bảo tồn hẳn hoi, nhưng nhiều nhà cổ ở Bạc Liêu vẫn đang “kêu cứu” trước tình cảnh xuống cấp nghiêm trọng…
Nhà cổ vẫn là… nhà ở
Nghĩa là, dù cho là nhà cổ, là di sản có giá trị, bị (được?) ràng buộc bởi những quy định hẳn hoi trong việc tu bổ, sửa chữa… thì vẫn là nhà để nhiều hộ dân sở hữu sinh sống mỗi ngày. Và đã là mái nhà che mưa, che nắng thì ngôi nhà ấy phải đảm bảo tiêu chí an toàn tối cần thiết để người ở trong nhà cảm thấy an tâm. Đem bảng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh trả lại cho chính quyền địa phương như bài viết đã phản ánh trên báo Bạc Liêu là một vụ việc “xưa nay hiếm”. Họ thực hiện động thái này sau nhiều lần trình báo tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của ngôi nhà (nghĩa là họ đã thực hiện đúng nghĩa vụ của hộ dân sở hữu nhà cổ), nhưng vì không thể cứ chờ đợi “động thái” ngược lại, trong khi ngôi nhà xuống cấp theo thời gian, ảnh hưởng đến an toàn của 10 mạng người trong một gia đình, thì biện pháp cuối cùng chỉ có thể là trả lại bằng công nhận di tích để kịp thời cứu lấy ngôi nhà trước khi quá muộn! 

Nhà cổ của gia đình ông Khưu Hải Chiêu - một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu, đang được chủ sở hữu sửa chữa. Ảnh: N.Q

Không thể phủ nhận những động thái bảo tồn nhà cổ đã được ngành VH-TT&DL quan tâm trong nhiều năm qua. Một hội thảo chuyên đề về bảo tồn nhà cổ tỉnh Bạc Liêu đã được tổ chức năm 2011 sau khi Bảo tàng tỉnh hoàn thành việc lập hồ sơ di tích nhà cổ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều nội dung liên quan đã được mổ xẻ thấu đáo tại hội thảo này. Các cơ quan, đơn vị, hộ dân chủ sở hữu 21 công trình kiến trúc cổ ở Bạc Liêu cũng nắm được những quy định nghiêm ngặt về việc chống xuống cấp, tôn tạo các công trình cổ theo đúng Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Thế nhưng, đối với những ngôi nhà cổ có người dân sinh sống, nhà cổ vẫn mang chức năng là nhà, phải đảm bảo điều kiện an toàn sinh sống. Khi chưa nhận được sự hỗ trợ hoặc động thái tích cực nào từ phía cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương thì họ cũng không thể chờ đợi mãi…
Ai “cứu” nhà cổ?
Việc đập phá hoàn toàn một ngôi nhà cổ ở TP. Bạc Liêu cách đây vài năm, giờ lại thêm một ngôi nhà cổ không thể chờ đợi được tu bổ đúng Luật Di sản nên buộc chủ nó phải chủ động trả danh hiệu di tích cấp tỉnh, trước đó, TP. Bạc Liêu cũng thực hiện việc di dời 6 hộ dân sống tại nhà cổ số 154, thường gọi là nhà Hội đồng Phến (đường Điện Biên Phủ, khóm 1, phường 3) về nơi khác ở do không còn đảm bảo tính an toàn… cho thấy nhiều ngôi nhà cổ khác cũng đang trên đà xuống cấp… Và đó cũng chính là tiếng kêu cứu âm ỉ mà vô cùng khẩn thiết của những công trình kiến trúc cổ tại tỉnh Bạc Liêu. Nhưng ai sẽ ra tay cứu lấy nhà cổ? Trách nhiệm ấy thuộc về nhiều phía!
Để bảo tồn, kéo dài tuổi thọ các công trình kiến trúc nhà cổ, thiết nghĩ ngành VH-TT&DL cùng với các cấp chính quyền địa phương (chủ yếu trên địa bàn TP. Bạc Liêu) tổ chức quản lý chặt chẽ các công trình kiến trúc nhà cổ, cụ thể là tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tham gia bảo tồn nhà cổ theo quy định của pháp luật. Và ngược lại, Nhà nước cần có chính sách kịp thời và hợp lý hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà cổ có cuộc sống ổn định, hỗ trợ kinh phí tu sửa, chống xuống cấp nhằm kéo dài tuổi thọ của nhà cổ. Nghĩa là muốn người dân gìn giữ hiện trạng nhà cổ đúng theo quy định thì Nhà nước cũng phải đảm bảo cho họ sự an toàn tối thiểu khi sống trong nhà cổ.
Hơn 20 công trình kiến trúc cổ quý hiếm ở Bạc Liêu, trong đó có nhiều công trình có tuổi thọ hơn trăm năm, đã được giới chuyên môn đánh giá cao về giá trị, đồng thời họ cũng báo động thực trạng xuống cấp ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau của những công trình này từ nhiều năm qua. Trong những chương trình hành động của Bạc Liêu thực hiện mục tiêu phát triển du lịch cũng đã chú trọng việc phát huy giá trị những ngôi nhà cổ này! Thế mà, tiếng kêu cứu của những ngôi nhà cổ vẫn còn âm ỉ và khẩn thiết cho tới bây giờ? Những động thái tích cực hơn, đồng bộ hơn và sự vào cuộc quyết liệt hơn rất cần kíp ngay từ bây giờ nếu không nói là đã muộn để cứu lấy những ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu.
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Trần Khang, nguyên giảng viên Trường đại học Xây dựng TP. HCM trong một lần về Bạc Liêu nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ đã chỉ ra rằng: “Nhà cổ Bạc Liêu - đó là thỏi nam châm thu hút khách du lịch quốc tế”. Theo ông, nếu nhà cổ ở Bạc Liêu được chăm sóc đúng bài bản, giữ gần như nguyên gốc thì sẽ là nguồn lực rất mạnh thu hút du khách quốc tế do xu hướng hiện nay là tìm về nguồn gốc văn hóa cổ xưa. Mà trước mắt là phải chấm dứt tình trạng xuống cấp, phải đưa các công trình này về đúng nguyên gốc của chúng. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.