Văn hóa - Nghệ thuật
Nhà báo cũng cần máu… tài tử
Trên chuyên mục “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ” nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tác giả bài viết xin được bàn về nhiệm vụ “giữ lửa” cho nghệ thuật ĐCTT Nam bộ bằng phương tiện truyền thông nói chung và qua trách nhiệm của nhà báo nói riêng. Vì báo chí là công cụ đắc lực, còn nhà báo, nếu có đam mê, sẽ là sứ giả quan trọng trong trọng trách gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Phóng viên tác nghiệp về nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Ảnh: H.T
Trong việc gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn hóa nói chung, báo chí đóng vai trò quan trọng. Báo chí không chỉ thông tin, tuyên truyền, quảng bá và khẳng định giá trị, mà còn góp phần đưa ra những kế sách, đường hướng, giải pháp để gìn giữ và phát huy những loại hình có thể trở thành di sản văn hóa trong kho tàng di sản vô giá của nhân loại. Trước, trong và sau khi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh những giá trị tự thân của loại hình nghệ thuật này, cũng có sự tiếp sức đầy tâm huyết của báo chí. Dày đặc những bài báo viết về nghệ thuật ĐCTT trên các báo chí cả nước, nhất là báo chí các tỉnh phía Nam đã góp tiếng nói tôn vinh để cùng làm thăng hoa giá trị của một dòng nhạc dân tộc. Chính những bài viết với nhan đề như “Để ĐCTT tiếp tục tỏa sáng”, “Tính mở của người dân Nam bộ trong ĐCTT”, “Gìn giữ giá trị ĐCTT: Để không biến tướng thành trục lợi”,… và riêng ở Bạc Liêu, địa phương có nhiều đóng góp trên bước đường hình thành và phát triển nghệ thuật ĐCTT, Báo Bạc Liêu cũng đã có rất nhiều bài viết góp phần để nghệ thuật ĐCTT như ngọc quý, càng mài dũa càng sáng đẹp, tiếp tục được gìn giữ và phát huy xứng tầm!
Thông qua báo chí, công chúng biết rằng nghệ thuật ĐCTT có sức sống mãnh liệt và có tầm lan tỏa rộng. Những gia đình 4 - 5 thế hệ chung niềm say mê và cùng nối nghiệp đờn ca; những lão nông gia đình chẳng khấm khá gì nhưng tài sản vô giá là những chiếc đờn kìm, đờn cò, đờn tranh được gìn giữ như báu vật, không bao giờ đem đi đổi bán; những thầy đờn nghèo nhận dạy học trò đờn ca bằng tấm lòng không câu nệ chuyện tiền nong…
Bên cạnh ngợi ca, báo chí còn gióng lên những hồi chuông cảnh báo khi nghệ thuật bản sắc của dân tộc đứng trước nguy cơ trở thành một “món hàng” để nhiều người mua vui trong lúc “chén tạc chén thù”… Đó là khi nghệ thuật ĐCTT bị đưa vào môi trường diễn xướng quá dễ dãi, chơi ĐCTT không còn giữ được bản chất phụng sự nghệ thuật (như lời tâm huyết của GS-TS Trần Văn Khê lúc còn sống vẫn hay lặp đi lặp lại). Nếu những nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử trực tiếp gìn giữ những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật ĐCTT thì báo chí nói chung và những nhà báo nói riêng cũng đã, đang và tiếp tục đứng bên lề cổ vũ, ủng hộ, nhân lên những điển hình, bóc tách những khuyết điểm cần chấn chỉnh để cho di sản văn hóa tinh thần này luôn giữ đúng chân giá trị!
Không đòi hỏi thật tinh thông về bản chất nghệ thuật của ĐCTT, nhưng nếu thiếu niềm đam mê và không một chút hiểu biết gì về ĐCTT thì sẽ chẳng thể viết về di sản phi vật thể này. Đi viết về liên hoan ĐCTT mà dự qua loa vài tiết mục khai mạc, bế mạc rồi ghi chép đánh giá của ban giám khảo thì bài viết không thể có hồn. Muốn gặp nhân vật nghệ nhân mà nhờ anh giám đốc trung tâm văn hóa giới thiệu rồi đưa lên gặp tại phòng làm việc thì chẳng thể có một chân dung nghệ nhân trên báo đủ sức thu hút độc giả. Nhà báo phải có máu tài tử, học cách hiểu biết dần để thẩm thấu và biết yêu thích những bài bản tài tử, ngồi thưởng thức những tiết mục đờn ca để nắm được thần thái của ĐCTT mới có thể viết đúng về ĐCTT, lắng nghe trong chất giọng non nớt của một đứa trẻ mới bi bô đã ca tài tử thật ngọt ngào, hay làn giọng đã khàn đục mà vẫn đong trọn niềm đam mê của một lão nông cao tuổi mới viết được sức sống của nhạc tài tử; chịu lặn lội đến tận nhà để nhìn thấy tài sản vô giá của một nghệ nhân, chỉ là chiếc đờn kìm, đờn tranh, hay cái song lang đã nhuốm màu thời gian; cùng ngồi sòng đờn ca, lắc lư ra bộ (dù có thể không biết ca, đờn) với những nghệ nhân, tài tử tại một cuộc vui ngắn ngủi nào đó khi về cơ sở… Những phút thả hồn tài tử như thế để nhà báo biết cảm nhận và viết bằng cảm xúc, thật sự rất cần để có những bài viết sinh động về nghệ thuật ĐCTT.
Cẩm Thúy
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu