Văn hóa - Nghệ thuật
Người về muộn
Cuối cùng, chỉ có ông và góc bãi biển này tôi còn nhận ra thôi. Tôi cứ ngỡ chẳng bao giờ còn gặp lại ông dù biết rằng, gặp là để gặp, vậy thôi. Nhờ cô Hạnh mà tôi biết cái quán này, bởi có lần các thầy cô đã đến đây trong một lần họp mặt. Cô nói không biết nhà ông còn ở đây không, thời buổi này, vật đổi sao dời, mau lắm! Oanh xoay xoay ly sinh tố nhưng không uống, nhìn về phía cuối bãi biển. Thành phố này tôi rong rả cả tuần nay, mọi nơi đều thay đổi, thay đổi đến mức không nghĩ là mình từng sống ở đây hai mươi năm đầu đời. Ông biết không, tìm một nơi mình quen biết, để đừng lạc đường, tôi không nhìn quang cảnh mà nhìn xuống chân mình. Tới ngã tư này thì quẹo trái, một đỗi nữa tới ngã ba, đi về phía tay phải, vài chục bước nữa tới ngôi trường tiểu học ngày xưa. Đúng là có một ngôi trường nơi đó, nhưng không phải là ngôi trường tiểu học ngày xưa tường vàng, ngói đỏ rong rêu. May là hàng cồng cổ thụ còn trước sân, nơi tôi và đám bạn thuở bấy giờ nhảy dây, chơi lò cò vào mỗi giờ chơi. Tự dưng, mắt mình rơm rớm nước không biết vì lẽ gì. Không còn gì gọi là cũ nữa trong không gian này, vậy mà sao tôi như còn nhận ra dấu chân, bóng người năm cũ…
Góc bãi biển này ông không biết đâu. Ở đó có một rặng đá nhô ra, nơi mà lần cắm trại cuối cùng của năm học cuối cùng, ông nhớ không? Nơi đám con gái che nhau thay đồ trong hốc đá. Che cho dữ, sau cùng, thay đồ xong, ngước lên mới biết, phía trên là con đường người xe qua lại dập dìu. Nhờ chút ngỡ ngàng, cái rặng đá và đám rau muống biển trên bờ cát vàng thoai thoải đó mà tôi nhận ra mình, nhận ra tháng ngày đã trôi theo thời gian hơn bốn mươi năm. Đôi khi nghĩ, tại mình đèo bồng, chớ gần suốt cuộc đời, những nơi đã đi qua, bao nhiêu bãi bờ, sóng biển, cát vàng, mắc cái giống gì cứ nhớ về cái bờ biển thuở còn hoang sơ ấy. Ở một đất nước mấy chục triệu dân, biết bao lần, bao nhiêu người bạn đã từng mượn tôi quyển tập, quyển sách như tuổi học trò, như ông mà hơn ba mươi năm trời tôi đâu gặp khuôn mặt lúc nào cũng cà hất như khuôn mặt của ông đâu, nên tôi lại phải tìm về. Bốn mươi năm trời, cảnh cũ còn chẳng thể chờ mình, huống chi là người về muộn. Mọi thứ trở nên lạ lùng, xa lạ, vậy mà trong lòng tôi cứ mong gặp lại ngày còn nhỏ đó.
Mấy hôm rày tôi ở nhà cô Hạnh. Lòng vòng mấy ngày không gặp một người quen, tôi chợt nhớ nhà cô Hạnh, cô dạy Lý - Hóa tụi mình hồi cấp ba đó. Nhớ vì hồi xưa, mấy lần cô biểu tôi đến nhà cô dạy thêm cho. Nhà cô trên đường Nguyễn Thái Học, tôi cũng đi theo trí nhớ của mình. May là tôi đã gặp. Ngôi nhà nho nhỏ, cũ kỹ và phong trần như dáng vẻ cô bây giờ. Cô đã nghỉ hưu mười mấy năm rồi và vẫn không lập gia đình. Cô mặc bộ đồ lam của người tu hành, chỉ mới xưng tên thôi cô đã ôm chặt tôi vào lòng và cười thật lâu. Nụ cười của cô không thể lẫn với ai được nữa. Đôi mắt cô cũng cười mà ươn ướt. Ngày mới ra trường, cô Hạnh là người trẻ, đẹp nhất trường. Đám học trò đứa nào cũng mến cô bởi cô vui vẻ lại dễ gần. Hồi mới về trường dạy học, cô mướn nhà trọ ở một mình, nên buồn. Mỗi lần tan trường, đứa này, đứa kia giành đưa cô về. Đứa nào mời cô cũng đi, toàn là xe đạp. Rồi cô biểu đứa này, đứa kia ghé nhà để cô chỉ bài thêm.
Ở nhà cô Hạnh, ăn cơm chay, mỗi đêm nghe cô tụng kinh, gõ mõ. Bữa nào cô cũng ăn đậu que chấm chao, tàu hũ kho tương và uống nước lá sa kê tối ngày. Tôi chở cô bằng chiếc Honda Dame màu đỏ cũ kỹ của cô ngày nào khắp nơi trong thành phố. Cô nhắc cho tôi nhớ ngày trước, ở đây là chỗ nào rồi hỏi tôi còn nhớ không. Buổi chiều, cô trò ra bãi biển, ngồi trên bực đá nhìn ngoài biển khơi xa, xanh ngắt. Biển cả mênh mông mà không nơi nắm níu, không có điểm tựa cho đôi mắt với tầm nhìn không còn xa hơn được nữa, không rõ một bờ bến nào, cứ mông lung, mênh mang mà vời vợi trong lòng. Thường sau mỗi buổi đi, cô Hạnh kêu chở tới một quán bán cơm chay của một phật tử quen. Cô Hạnh kêu tôi ăn thức ăn mặn đi, để ở nước ngoài lâu ngày, về nước thèm món này món nọ mà không được ăn cho đỡ nhớ. Tôi nói, ở xa bao nhiêu năm tôi nhớ quá nhiều thứ, thèm quá nhiều thứ nhưng thèm ăn thì không nhiều. Cô cười, tôi cũng cười…
Nói chuyện bây giờ, cô Hạnh thường dùng những từ nhân quả, vô thường, nhân duyên, nghiệp chướng… mỗi lần nói cô thường giải thích thêm cho tôi được rõ. Đêm khó ngủ, tôi ngồi xếp bằng trong mùng nhìn cô lặng lẽ tụng kinh trước bàn thờ nho nhỏ. Tiếng cô chậm, buồn, đều đặn theo tiếng mõ, chuông. Chỉ có ngọn đèn nho nhỏ trên bàn thờ, không gian quanh cô chìm vào bóng đêm đặc quánh. Tôi tưởng tượng ra góc buồn của một đời người. Nó lặng lẽ, âm thầm, tối tăm và khép kín. Lẽ gì cô Hạnh hướng đến nơi của những người có thể gọi tên, hình dung ra được dáng hình mà đã không bao giờ gặp được ở trần gian.
***
Bình, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sống với nghề lái xe tải. Sau này làm việc cho dầu khí hơn chục năm và đã nghỉ hưu. Bình lấy vợ muộn, có một đứa con gái và đứa cháu trai đầu tiên năm nay vào học lớp hai. Oanh mở túi lấy mấy hộp bánh kẹo mang về tặng cho Bin - cháu ngoại của Bình. Bình kêu thằng cháu khoanh tay, nói cảm ơn bà! Trời ơi! tiếng bà nghe sao thăm thẳm, cứ như người từ ngoài hành tinh mới bước xuống trái đất!
Oanh từ giã, Bình nói để đưa Oanh về nhưng Oanh từ chối dù đã từng mơ một lần như vậy. Oanh nói vui, chuyện trò cả buổi là đủ rồi, không khéo, bà ngoại thằng Bin buồn! Oanh cười, Bình cũng cười - “Già hết rồi mà!”. Oanh còn vói lại - “Ví thử trừ ra bốn mươi năm không gặp, đôn thời gian ấy lại thử coi bây giờ mình bao nhiêu tuổi mà già!”. Chỉ còn thấp thoáng hai nụ cười không rõ buồn hay vui nhưng trong lòng ai cũng biết, chắc không còn nhân duyên gặp lại.
Tháng sáu, hai ngàn mười sáu
Tản văn: Trần Xuân Linh
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8