Người “đời xưa”

Thứ Sáu, 20/11/2015 | 16:54

Thế hệ 8x, 9x hay nhỏ hơn nữa vẫn gọi nền nếp sống của ông bà, cha mẹ mình là theo “đời xưa”. Gọi “đời xưa” chi cho tội ông bà, cha mẹ. Thật ra lối sống của họ đâu đã lạc lõng, lỗi thời. Họ là chính hiện thân của cốt cách cha ông.

Bà nội tôi là người mẹ chồng “đời xưa” đúng mực. Nội ăn trầu như một truyền thống của người phụ nữ Việt Nam tự ngàn xưa nhưng không bao giờ nội để cổ trầu dính đâu đó cả hay làm bận dâu con phải têm trầu, đổ ống. Mới đây thôi, tôi vẫn còn thích đứng nhìn nội bỏm bẻm nhai trầu rồi tóm tém đôi môi màu vôi. Những ngày trăng sáng, cứ chạng vạng nội lại trải chiếu ngoài sân ngồi kể chuyện “đời xưa” cho đám con nít trong xóm nghe. Bên bếp un cũ kỹ, xơ dừa âm ỉ cháy, nội say sưa kể những câu chuyện thời ông cha đi mở cõi, về một vùng rừng thiêng nước độc mà bây giờ đâu đâu cũng đông đúc, trù mật. Giọng của bà khi như tiếng gió xô tàu lá, khi như tiếng dầm bơi trong đêm vắng. Những câu chuyện bé như bàn tay thôi nhưng nội đã gửi vào đó biết bao điều. Nội dạy mẹ tôi như người mẹ dạy con gái mình. Từ cách bắc nồi cơm, cách cầm cây chổi đến cách quán xuyến, vung vén gia đình. Nội vẫn bảo với mẹ tôi: “Đi coi dâu phải coi hàng lu, coi cái bếp trước”. Lâu lâu, mẹ tôi nhắc lại, chị em tôi còn thấy thương mẹ. Bây giờ, mẹ tôi vẫn giữ thói quen thi thoảng lại đem chén đĩa ra trụng nước sôi như ngày nội còn sống.

Không biết có phải ảnh hưởng từ bà nội hay không mà chị tôi cho rằng mẹ tôi khó như “bà già xưa”. Có lẽ vì tuổi già nên mẹ khó ngủ. Bốn, năm giờ sáng mẹ đã thức nằm võng. Trời tỏ mặt người thì đi tắt đèn, quét nhà, bắc nồi cơm. Ngày nội còn sống, việc đầu tiên sau khi thức của mẹ là nấu nước pha trà cho nội. Gia đình bao giờ cũng có hai mâm cơm. Chị em tôi không bao giờ được ăn chung mâm với ông bà. Có làm gà, làm vịt thì chúng tôi cũng không bao giờ được ăn nội tạng cũng như chân cánh; ăn cá thì rỉa thịt từ đuôi lên. Thói quen ẩm thực “kỳ lạ” ấy đã thành nếp ăn uống của gia đình tôi. “Đi thưa về trình” là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi chị em tôi ra đường mà quên xin phép người lớn. Và còn bao nhiêu là quy tắc ứng xử trong gia đình mà có lẽ cả đời tôi cũng không bao giờ quên được. Nhà bếp của mẹ lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Vật dụng thì loại nào ra loại nấy, không chung chạ, bừa bãi được. Mẹ vẫn rầy chị tôi vì hay quên hốt tro trong lò ra. Lu thì chỉ trữ nước tắm giặt, kiệu thì trữ nước mưa tốt để nấu ăn. Hàng kiệu, hàng lu, hàng nào mẹ cũng lấy gạch kê nới cao ráo để tránh trùng, tránh giun. Hễ mẹ phát hiện có vật gì lạ trong nước, chỉ bóng dáng thôi, là mẹ sẵn sàng đổ cả đi.

Trời dần sâu. Trăng mười sáu long lanh soi bóng hàng bạch đằng xuống mặt sông êm ả. Con đường quanh co như ngập ngừng muốn nói. Bầu trời đầy trăng và sao. Con tôi vẫn còn chăm chỉ học bài. Bên trang giáo án, tôi vẫn ôm ấp bao giá trị của những người “đời xưa”.

TRẦN PHONG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.