Văn hóa - Nghệ thuật
Ngọt ngào tuổi thơ
Chùa làng nhỏ nhắn nhưng rất đẹp bởi bao quanh là những gốc cây cổ thụ cho bóng mát quanh năm. Chùa nằm trên một gò nhỏ nhưng có đến gần trăm bậc đá để lên xuống. Đá lắm sắc màu được đẽo gọt đơn sơ nên trông cũng cổ kính. Chùa nghèo nên chẳng có cặp rồng tranh châu hay kỳ lân, sư tử nhưng có rất nhiều loại hoa đẹp và quý. Có lẽ thế nên gió ở chùa lúc nào cũng thơm.
Sân chùa rộng và mát, còn sư thầy thì thật hiền. Đó là nơi lý tưởng để bọn con nít chúng tôi thoải mái dàn các trò chơi của mình ra mà không bị la rầy. Đã thế, thi thoảng sư thầy còn cho bánh kẹo nữa chứ. Vì là trẻ quê nên việc quét dọn sân nhà hầu như hằng ngày. Sân quê không có rác nhưng nhiều lá, cành nhánh khô mục. Chơi xong thì chia nhau dọn dẹp sạch sẽ rồi mới ra về. - “Mai chúng con xin được lên đây chơi tiếp sư nhé”. - “Ừ, nếu các con thích”.
Mấy tháng hè vì thế mà qua thật nhanh. Món này thì sư thầy không thích bao giờ nên muốn lên chùa thì chúng tôi phải giấu chúng đâu đó. Trẻ quê mà không chơi ná là chuyện bất thường. Ná là công cụ để bắn chim. Ná cũng góp phần bảo vệ mùa màng bởi lũ chim ăn lúa vừa thấy chúng tôi là vù bay mất. Chúng sợ chúng tôi thì ít còn sợ cái ná thì nhiều. Chim ăn lúa thường hót không hay nên có bị bắn thì cũng chẳng ai thương hại gì. Còn các loại chim khác thì chúng tôi cũng yêu thích lắm nên vườn làng tôi lúc nào cũng líu lo tiếng hót. Những tiếng hót tưởng chừng như xâu chuỗi ấy được kéo giãn ra rồi rơi xuống những thảm cỏ mướt như nhung hay hòa lẫn vào đất đồng.
Các trò chơi mà chúng tôi chơi là trốn tìm, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo co hay nhảy lò cò… gì cũng được, còn chơi đá dế thì sư thầy không cho bởi… ác! - “Đá dế thì đâu có gì là ác mày nhỉ?”, thằng Du nói với con Nụ. - “Cũng ác chứ. Khi không mà phải cắn xé nhau”. - “Ừ, mày nói đúng. Chắc đau lắm”. - “Đau chứ sao không. Mày chỉ cần bị cái gai nhỏ đâm vào tay là khóc rồi”. - “Xí, mày khóc thì có”.
Vậy là háy nguýt. Vậy là giận nhau. Con Nụ bỏ đi một lèo làm thằng Du chưng hửng. Nó đứng như trời trồng mà không biết phải làm sao. Nó đến thềm chùa ngồi tiu nghỉu. Nó biết là nó thích con Nụ bởi ngày nào tụi nó cũng đi học chung đường. Nhà cũng gần nên khi bị thầy cô phạt hay la rầy thì chúng thường giấu nhẹm cho nhau. Chỉ khi tức lắm thì chúng mới đem chuyện ấy ra làm áp lực thì đứa kia phải răm rắp cầu hòa.
Miếng ngon bao giờ cũng nhớ lâu nhưng miếng thật đắng thì cũng nhớ lâu. Đó là lúc hai đứa mải mê chơi đến đói cồn cào thì vào vườn chùa hái trộm mấy trái mận. Chẳng có cây nào có trái chín dưới thấp nên chúng đành ăn trái non chua chát líu lưỡi mà vẫn cười nói lu loa. Đến khi sư thầy gọi chúng vào chùa thì chúng mới sợ hãi. - “Hai đứa quỳ xuống đó”. Rồi thầy chậm rãi: “Trộm vặt là xấu lắm. Các con phải từ bỏ tính đó. Của nhà chùa hay của ai cũng vậy, muốn ăn hay làm gì thì phải xin”. Nói rồi sư thầy ra vườn lấy cây lồng hái những trái đã chín xuống. - “Các con ăn đi. Nhớ là lần sau đừng tái phạm nữa nhé”. - “Vâng ạ. Chúng con cảm ơn sư thầy”.
Mùa hè cũng là mùa quả chín. Mùa của chích quạch, chim sẻ, chào mào. Mùa của trẻ con với những dự định, ước ao...
***
12 năm kể từ khi Nụ mất, thằng Du đã lớn sầm, đã vào đại học. Hè nào về quê nó cũng lên chùa, thăm lại vườn mận ngày xưa. Mỗi lần như thế sư thầy đều nhắc nó: “Con hãy cầu nguyện cho Nụ”. Du thấy đau râm ran cả lòng. Nó oán trách trời cao, đất dày và sự bất công của tạo hóa.
Cuộc sống có vô vàn gian lao, trắc trở nhưng cũng có nhiều điều thú vị, hân hoan. Hạnh phúc hay nỗi đau lắm khi vô tình tự đến. Cũng có những vết thương tự lành nhưng đó là những vết thương sơ sài, qua quýt nhưng không thể không làm ta đau. Nó ngồi xuống, nhìn chiếc lá mận rơi và nghĩ về Nụ. Về nỗi đau của gia đình cô. Về những dự định ngây thơ mà ngày trước Nụ thường thủ thỉ với nó. Đến bây giờ nó cũng không thể hiểu đó là tình cảm hay tình yêu. Ngày đó, chúng nó chắc chỉ 9 - 10 tuổi gì thôi nên yêu đương làm gì có đất để mọc.
Một tin nhắn từ nhà đã cắt ngang dòng suy tư của nó. - “ Nhanh về ăn cơm em nhé, ba mẹ đợi” - Tin nhắn chị nó gửi. Về thôi chiều sắp tàn rồi. Phải chi có Nụ cùng về thì hay biết mấy. Hẳn là vừa lứa xứng đôi chứ không đến nỗi nào. Nụ ngày trước hơi gầy nên bây giờ hẳn rất thướt tha. Không xinh lắm nhưng nhìn hoài cũng không chán.
Dừng lại trước cổng tam quan nghe tiếng chuông chùa rơi xuống lòng nặng trĩu. Không gian như chùng xuống. Màu hoàng hôn hóa thành màu buồn. Nó chợt nhận ra đời người là một chuỗi nuối tiếc. Thời đã qua là thời đẹp nhất dù chẳng ấn tượng gì nhưng hoài nhớ, hoài thương. Nó liên tưởng đến tình cảm của nó và Nụ, chẳng có gì nhưng sao cứ hoài lưu luyến. Nợ. Nó nghĩ đến kiếp trước. Bỗng dưng thanh thản đến không ngờ. Tiếng chuông. Phải rồi tiếng chuông đã thức tỉnh mọi lầm mê. Nó huýt sáo bản nhạc yêu thích, thả chúng dọc dài theo đường quê làm cho nụ môi của ai đó sau giậu rào thưa kịp chum chúm nở. Chiều quê thật đẹp, thật đáng yêu làm sao.
LÝ THỊ MINH CHÂU
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu