Ký ức một thời

Ngoại tôi!

Thứ Sáu, 01/05/2020 | 16:39

Má hay kể tôi nghe nhiều về bà ngoại, mặc dù ngoại không còn trên cõi đời nữa. Ngoại ra đi trong sự mãn nguyện vì đã lo chu tất cho đàn con thơ dại. Cuộc đời làm dâu không chồng bên cạnh tủi thân vô cùng, nhưng ngoại vẫn làm tròn bổn phận dâu con, làm người vợ thủy chung với chồng, là hậu phương vững chắc cho ông ngoại an tâm chiến đấu nơi chiến trường ác liệt.

Cách đây 61 năm khi chiến tranh đang xảy ra, hôm đó là buổi hừng đông của tháng Ba âm lịch năm 1956. Chiếc tàu Vàm Cỏ Tây xuôi sông Nhật Tảo ghé trước cửa nhà bà cố. Bước lên bờ là người con gái lạ, khoảng 18 xuân xanh. Người con gái ấy (là bà ngoại tôi) bước vô nhà nói chuyện với bà cố tôi với vẻ thẹn thùng, cùng sự ngạc nhiên của ông bà cố: “Thưa ba má, con là người yêu của anh Nghĩa, ảnh hứa sau khi chiến tranh kết thúc, hai đứa con mần đám cưới, con sẽ là dâu của ba má, ảnh có gửi cho ba má bức thơ”. Cầm bức thơ, ông bà cố rất vui mừng. Ông ngoại đi vào vùng giải phóng đã hơn 5 năm, nhà chỉ thăm ông ngoại được một lần. Mỗi lần đi thăm rất khó khăn, trên đường đi phải trốn máy bay Mỹ - ngụy. Ông cố phải băng rừng cả một đêm mới tới nơi thăm ông ngoại. Suốt đêm hai người chỉ kể chuyện gia đình, kể chuyện nằm vùng… Nhà ông cố ngày xưa nghèo lắm, nhưng cũng có mấy công đất ruộng gần nhà làm để lấy gạo ăn qua ngày. Năm nào pháo bắn sụp hầm làm chết không biết bao nhiêu người, đạn pháo làm vỡ đê, nên nước phèn tràn vô ruộng rồi làm mất mùa mấy năm liên tục. Bà cố ở nhà đi cấy mướn, đi cắt lúa, đập lúa thuê để nuôi đàn con nhỏ.

Sau vài phút đọc xong bức thơ, bà cố ngước mặt lên nhìn bà ngoại lộ vẻ ưng ý người con dâu của mình, con gái ruộng thiệt nhưng nghe má kể bà ngoại đẹp lắm, sắc đẹp của ngoại có thể sánh ngang nghệ sĩ  cải lương Thanh Nga lúc bấy giờ. Má kể tôi nghe về xuất thân của ngoại.

Thời đó nhà ngoại nghèo lắm, có ông bà cố ngoại và ba người con. Khi Mỹ leo thang chiến tranh, quê ngoại chìm trong bom đạn. Năm 1965, máy bay bỏ bom làm sụp hầm, giết chết ông bà cố ngoại, bà Hai, ông Út, nhà chỉ còn bà ngoại.

Đời ngoại côi cút, đau thương, nhờ có ông ngoại, ngoại như có thêm gia đình thứ hai, ngoại cảm thấy được an ủi, bù đắp phần nào. Từ mờ sáng, gà gáy chập đầu, ngoại đã dậy lọ mọ vo gạo nấu cơm rồi dọn dẹp bếp núc. Vác cuốc ra đồng, làm từ sáng đến lúc đỏ đèn mới chịu về, về nhà thì lại phụ bà cố nấu cơm… Ngoại hay nói với bà cố: “Anh Nghĩa thương má lắm, giờ ảnh lo việc nước nên con thay ảnh lo cho ba má được chút ít là con mừng rồi”. Bà cố nhìn ngoại mà rơm rơm nước mắt. Rồi ông ngoại cũng về được ba ngày thăm, quây quần bên gia đình. Ngày lên đường hai người bịn rịn không muốn xa nhau nhưng chiến tranh vẫn còn đó, làm thân trai ông ngoại phải ra đi. Chiến tranh ngày càng ác liệt, đơn vị ông ngoại chiến đấu liên miên. Mỗi lần ông ngoại về là y như trên người ngoại có thêm một vết thương. Bà ngoại không khỏi xót xa, bà sờ lên những vết thương ấy mà khóc. Bà ngoại càng thêm sức mạnh, cố gắng ở nhà nuôi đàn con, chăm lo cấy cày.

Đầu mùa sa mưa, cây me già trước nhà ngoại thay lá, cứ chiều chiều ngoại ra gốc me ngồi ngóng về nơi xa, coi có chiếc xuồng nào cập bến không.

Năm ấy, má tôi được 12 tuổi, nỗi sợ lớn nhất cũng đến, đúng cái ngày ông ngoại xin về gặp mặt bà, thăm con. Bà ở nhà làm đủ thứ món chờ ông ngoại về, nhưng nào ngờ giây phút định mệnh cướp mất ông ngoại vĩnh viễn. Pháo 110 ly từ bên sông Nhật Tảo bắn ra, ông không chạy kịp, trúng ngay lồng ngực. Ông không qua khỏi cơn nguy kịch. Bà ngoại ở nhà cứ mong ngóng không biết rằng ông đã hy sinh trên đường về thăm vợ con. Nước sông Nhật Tảo ròng sát kiệt, từ sông bên kia, bà Bảy hàng xóm chèo xuồng qua nói là ông ngoại đã hy sinh trên đường về nhà. Nghe như sét đánh ngang tai, bà ngã quỵ, một nỗi đau tận cùng chảy ra theo những giọt nước mắt, nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh. Ba ngày trời, bà ngoại không ăn uống gì, nằm vật vã trong buồn thương, bà đi liêu xiêu như kẻ mộng du. Nghe má kể đến đó, tôi mới thấm thía được nỗi đau góa phụ của đời người phụ nữ như thế nào.

Nỗi đau nào cũng phải qua, ngày ngày ngoại vẫn dâng cơm mời nước cho ba má chồng, chăm sóc mấy đứa con. Rồi vài năm sau đó, ông bà cố qua đời để ngoại một mình bơ vơ cùng bầy con nheo nhóc, nhà nghèo lắm, ngoại phải làm đủ thứ nghề nuôi con. Theo thời gian tuổi ngoại càng già đi, nhưng nhất quyết ở vậy không đi thêm bước nữa. Vài công ruộng ông bà cố để lại ngày một tăng lên, đời sống của ngoại và mấy cậu, dì cùng má tôi cũng khá hơn, được cắp sách đến trường. Tôi thương ngoại biết bao dù tôi chưa một lần gặp ngoại, ngoại chỉ xuất hiện mơ hồ theo lời kể của má trong giấc mộng của tôi.

Tôi ngưỡng mộ ngoại bởi mối tình một đời một kiếp với ông ngoại, ngoại hay nói với má: “Từ hồi ba mày hy sinh trên đường về thăm má con mình, má thề má ở vậy, quyết thờ chồng, lo cho tụi bây có cái ăn cái mặc”. Lời ngoại nói với má mấy chục năm rồi mà má vẫn in sâu trong tim, khắc trong lòng. Đến những giây phút trút hơi thở cuối cùng, ngoại còn mấp máy câu: “Má sắp được gặp ba mày rồi”. Ngoại nở nụ cười mãn nguyện, lòng thanh thản ra đi, má tôi buồn vui lẫn lộn, buồn vì xa ngoại vĩnh viễn, còn vui vì bà sẽ gặp lại ông ngoại. Cả đời ngoại chỉ sống vì chồng, vì con. Tôi cảm thấy rất tự hào vì là cháu của ngoại - người phụ nữ kiên trung, giàu lòng chung thủy.

DIỆP LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.