Văn hóa - Nghệ thuật
Ngoại bao nhiêu tuổi…
Gần như một sự vô tâm khi giật mình không trả lời được câu hỏi: “Ngoại năm nay bao nhiêu tuổi?”. Đó là khi chúng tôi đưa bà đến bệnh viện, làm thủ tục nhập viện. Đứa này ngóng đứa kia để tìm câu trả lời, ai cũng lắc đầu cho đến khi tìm được chứng minh thư của ngoại. Chỉ tờ giấy vô tri mới trả lời được câu hỏi ấy…
Cuộc đời ngoại gắn liền với những vất vả, nhọc nhằn để nuôi đàn con khôn lớn. Đàn con lớn khôn, ngoại vẫn chưa hết nhọc nhằn vì chăm trẻ cho con mình. Khi thì nuôi cháu ngoại, lúc thì bồng bế cháu nội. Người đời hay nói “thắng về nội, thoái về ngoại”, chứ còn ngoại tôi thương đàn cháu rất đồng đều. Chính vì không thể nặng nhẹ bên nào nên đôi tay ngoại chai sần theo năm tháng, tấm lưng còng đi ngày một nhiều vì đàn cháu con hơn hai mươi đứa…
Giờ ngoại đã vượt cái ngưỡng “xưa nay hiếm”, tuổi già như chuối chín cây, ai biết khi nào thì gió lay rụng xuống. Tuổi trẻ ngoại lo đàn con, trung niên ngoại tất bật với đám cháu, để giờ đây tuổi già ngoại gần như sống trong cô độc. Đứa nào lớn lên cũng được dựng vợ gả chồng, rồi tan đàn để xây dựng gia đình riêng. Ngoại sống với gia đình cậu Út, nhưng người trẻ ai cũng có việc của mình, nên ngoại quạnh hiu ra vào làm bạn với cây cau trước ngõ, cây khế sau vườn. Chỉ đám tiệc mới thấy con cháu xúm xít, tề tựu về, mà có khi cũng chẳng đủ mặt. Ngoại mừng vui ra mặt khi thấy cháu con đề huề, những đứa cháu con cũng biết chạnh lòng khi nhìn thấy ngoại tuổi già hiu quạnh trong căn nhà chỉ có mỗi ngoại già nua, không có người bầu bạn, vậy mà ngoại cứ xuề xòa: tụi bây lo việc nhà tụi bây, đứa nào cũng có tư riêng, ngoại đâu có buồn…
Rồi ngoại đến cái giai đoạn thứ ba trong vòng quay cuộc đời “sinh - lão - bệnh - tử”. Ngày cậu Út đưa ngoại lên thành phố nhập viện, lúc cậu chạy ra ngoài mua cho ngoại vài vật dụng cần dùng, nhân viên bệnh viện đến làm thủ tục, hỏi năm sinh của ngoại, cả đám cháu nhìn nhau truyền nhau câu hỏi ấy. Chẳng đứa nào biết ngoại bao nhiêu tuổi. Một đứa nhanh trí tìm chứng minh thư trong túi đồ cậu đem vào, tờ giấy trả lời rằng năm nay ngoại đã 84 tuổi…
Ta bỗng giật mình! Một năm có biết bao nhiêu ngày kỷ niệm. Trong số những ngày chung của cả đất nước lại có những ngày riêng của những người ta vốn yêu thương, ta cần có trách nhiệm phải yêu thương và quan tâm, thế mà, đôi khi vô tình, ta lại không hề nhớ đến. Có ai vô tâm như chúng tôi nữa không khi chỉ thấy rằng ông bà mình đã già lắm rồi chứ không hề biết chính xác năm nay ông bà bao nhiêu tuổi rồi. Kỷ niệm lần thứ mấy của những ngày lễ trong năm mình có thể nhớ (vì công việc) mà tuổi ông bà mình, mình lại không hay… Cuộc sống bộn bề, tất bật hay một chút vô tâm của chính mình khi không trả lời được một câu hỏi liên quan đến người đã từng chăm sóc, thương yêu mình từ khi tấm mẳn…
Hãy yêu thương khi còn kịp yêu thương, dành cho người lớn tuổi trong nhà những quan tâm nhiều nhất có thể để một mai không phải hối tiếc. Tuổi già như chuối chín cây, gió lay là rụng xuống…
Nhật Quỳnh
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu