Ký ức một thời

Nghĩ thương ông bà…

Thứ Sáu, 22/10/2021 | 17:11

Nhìn làn khói tỏa quanh di ảnh ông bà ngoại với gương mặt hiền từ, tôi tưởng như ông bà đang cười với tôi. Trên bàn thờ là hai chén chè còn ấm cùng với một xấp giấy tiền vàng mã. Đốt nhang khấn vái ông bà về ăn, xong tôi quay qua dặn cậu Ba: “Một hồi hết nhang, cậu nhớ đốt dùm con giấy tiền này nghen cậu!”. Cậu ậm ừ: “Để cậu đốt, mà biết có nhận được không con ơi, chết là hết”…

Minh họa: B.T

Chết là hết, chắc chắn là vậy rồi. Cho nên, nào giờ, việc rải vàng mã tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ, hay đốt “vàng bạc đại”, “đô âm phủ” cho người đã khuất, với tôi, có làm thì chỉ là vì làm cho đúng phong tục của người xưa mà thôi. Thế mà, sau một giấc chiêm bao, tôi đã lật đật đi mua một xấp tiền vàng mã để gửi cho ông bà mình.

Đêm đó, tôi mơ thấy ông ngoại ngồi trên bộ bàn ghế quen thuộc trong ngôi nhà cũ, nơi mà ông bà đã nuôi nấng mẹ và cậu tôi hồi nhỏ. Ngoại cầm trên tay cái bánh dừa, ngồi ăn ngon lành. Ông vừa ăn, vừa nói với tôi: “Ông hết tiền rồi, đói bụng nên mua cái bánh dừa ăn đỡ đói”. Tôi tỉnh giấc bàng hoàng, mơ mà rõ mồn một. Gương mặt khắc khổ của ông hiển hiện đó, làm tôi nhớ lại những năm tháng còn thơ dại, bên ông, bên bà…

Mẹ và cậu tôi lớn lên trong một gia đình không đủ ấm để gọi là tổ ấm. Ông bà ngoại tôi ít chữ, nghèo khó. Bà tôi bán buôn ngoài chợ, bữa ế nhiều hơn đắt nên thiếu trước hụt sau rồi nợ nần chồng chất; ông ngoại tôi cũng làm thuê thành ra tiền nong chật vật. Chủ nợ kiếm đến nhà đòi bữa sáng thì y như rằng bữa chiều đó sẽ có những trận cãi nhau. Mẹ kể, mẹ và cậu tôi ám ảnh cảnh đó cho tới lớn. Khi chúng tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng vẫn chứng kiến ông bà cãi nhau, mà những đứa trẻ con, nhìn cảnh đó sợ lắm. 

Chuyện người lớn tụi con cháu không hiểu hết. Nhưng cái tình thương bao la mà ông bà dành cho cháu là điều mà chúng tôi luôn ghi khắc trong lòng. Cha tôi bệnh đột ngột qua đời khi mới 45 tuổi. Thế là ông bà dù không thuận thảo vẫn cùng nhau mỗi người phần việc của mình để san sẻ gánh nặng nuôi 4 đứa con nheo nhóc của mẹ tôi. Lúc cha tôi mất, bà ngoại vẫn còn cái tiệm hàng xén trước nhà. Ngoại bán hủ tíu cà-ri mỗi buổi sáng. Hôm nào tụi tôi đi học, ngoại cũng đón lại cho ăn. Ăn hoài một món sợ cháu ngán, ngoại đón mấy bà bạn hàng bán khoai, bán xôi, đổi hủ tíu lấy củ khoai, gói xôi để cháu mình đổi món. Buổi tối nấu cà-ri để sáng bán thì lâu lâu ngoại múc chừa lại một tô để mẹ con tôi có món ăn trong bữa cơm chiều. Còn những ngày tết, ngoại bán bún nước lèo, trứng vịt lộn. Ngoại đi chợ, làm cá, lặt rau, bằm tương ớt, rửa tô… loay hoay suốt ngày vừa bán, vừa làm những công việc đó. Ngoại lủi thủi làm chỉ một mình, không kêu đứa nào tiếp giúp, chắc ngoại nghĩ ba ngày tết, để con cháu vui chơi. Cho đến những ngày ngoại bệnh tuổi già, nằm liệt giường mới bất lực để con cháu chăm sóc. Một hôm, lúc lau mình cho ngoại, nhìn thấy cái lưng ngoại bị cong giữa đường xương sống thì tôi mới biết mình đã vô tâm như thế nào…

Ông bà tôi sống không hạnh phúc với nhau, nhưng điểm chung của hai người là đều thương yêu con cháu. Bà thương tôi bao nhiêu thì ông cũng thương tôi bấy nhiêu. Tình thương của người nghèo cũng khác. Ngày tôi được Đài PT-TH Bạc Liêu thông báo tập trung đến để đưa đi Vĩnh Long nhập học, từ nhà chạy lên đài khá xa, tôi ngồi xe máy cũ cha chở, còn ông ngoại đạp chiếc xe cà tàng đi theo sau. Ông đến mà không lại gần tôi. Bởi sợ tôi ngại vì có một ông ngoại nghèo… Ông đứng ở rất xa nhìn theo cho đến khi tôi lên xe cùng đám bạn. Ngồi trên xe nhìn ông quay lưng đạp xe về, tôi nghe cay khóe mắt…

Ông ngoại thương bầy cháu bằng tình thương thầm lặng như vậy. Ông nghèo nên cũng chẳng có gì để giúp đỡ về kinh tế khi đám cháu mồ côi cha. Nhớ những ngày mưa dầm, ao rau muống quanh nhà tôi lên chồi non mơn mởn, là lúc ông lội xuống, cắt rau muống mấy giờ đồng hồ. Tay chân tím đi vì lạnh mà ngoại vẫn ngồi bệt ra sân, lặt rau xong, ngoại cột từng bó rất đều rồi kêu mối quen bán để gom góp tiền cho tụi tôi ăn học. Tôi nhớ, ông ngoại có thói quen bất di bất dịch là đêm 30 tết lật đật nấu nồi chè khoai môn cúng ông bà (có khi tại ông bà cố tôi thích ăn món này). Cho nên khi tôi chiêm bao thấy ông ngoại về thì lại nhớ mà nấu món ông ưa thích vậy. Biết ông bà có ăn được không, nhưng giờ đây, ngoài việc nấu những món ngon để dâng lên bàn thờ, sống tốt đời mình để người mãn nguyện nơi chín suối thì tụi tôi còn biết làm gì để đền đáp công ơn…

Tôi không tin chuyện hóa vàng, đốt tiền cho người bên kia thế giới. Cũng như việc cúng kiếng những món ngon, trong những dịp giỗ quảy cũng chỉ là để tưởng nhớ công đức sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ mà thôi… Nhưng dẫu sao, đó là đức tin cuối cùng, chuyện người còn sống có thể làm được để tưởng nhớ người đã khuất. Tôi dậy từ sáng sớm để nấu món chè ngoại tôi ưa thích và mua một xấp tiền vàng mã để gửi cho ngoại cũng là vì niềm tin đó.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.