Nghề báo và tôi

Thứ Hai, 20/06/2016 | 16:58

Vào nghề đã 13 năm, cũng khá dài cho một quãng đời… người, nhưng không dài trên hành trình nghề! Tôi cho là vậy. Vì nghề báo đòi hỏi có khi cả đời và phải có sự phấn đấu miệt mài bằng lương tâm và trách nhiệm nữa thì may ra mới thành một nhà báo cách mạng chân chính - nhà báo đại diện cho tiếng nói của Đảng và nhân dân. Tôi vẫn còn miệt mài trên cuộc hành trình đó…

Nghề báo trong tôi
Nghề báo không phải là chọn lựa hàng đầu của tôi khi còn trên ghế nhà trường. Tôi thích ngành An ninh. Nghề báo đến với tôi như một “mối tình thứ hai” nhưng tôi đã yêu và gắn bó với sự tình cờ này. Những ngày ngồi giảng đường đại học, tôi bắt đầu biết yêu nghề báo từ những tiết học, bài giảng của những người thầy - nhà báo, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với cây phóng sự Huỳnh Dũng Nhân (Báo Lao động). Tôi đọc ngấu nghiến những phóng sự của ông như “Con đường bia bọt”, “May mà có nghêu”, “Hai giờ dưới lòng đất”, “Tôi đi “bán” tôi”... mới hay rằng hóa ra nghề báo quá hay và nhà báo quá tuyệt vời như vậy! Những ngóc ngách được đào xới rồi từ đó bật ra những vấn đề xã hội quan tâm trong những bài báo đề cập, hình như chỉ có nhà báo mới có thể làm được. Những bài báo trước đó tôi đọc như một cách tìm kiếm thông tin đơn thuần để giải trí (tất nhiên lúc ấy tôi chỉ ưu ái đối với những thông tin mang tính giật gân, chuyện của các “sao”...), thì từ khi yêu nghề, tôi đã mở rộng tầm mắt hơn ở những bài viết liên quan đến thời cuộc, chính trị, xã hội... 
Nghề báo trong hình dung của tôi vừa oai phong (vì dám vạch trần, phanh phui những vụ án tham nhũng, điều tra cả những vụ việc bê bối ở chốn nghị trường...), vừa hiểm nguy (để có những bài báo hay, đôi khi nhà báo phải mất mạng hoặc bị tấn công...), vừa như một nghề... hoạch định (vì đưa ra được những định hướng...), vừa là nhịp cầu nhân ái đắc lực để cứu vớt những mảnh đời nghèo, và chung quy lại cũng là một nghề lắm nỗi nhọc nhằn. Nhọc nhằn vì để có một bài báo hay, nhà báo phải hội tụ đủ thứ: tài năng, trí tuệ, tấm lòng, lương tâm và trách nhiệm. Lao động của nghề báo đòi hỏi cả sức khỏe về thể chất lẫn sự minh mẫn trong tinh thần, mà nhiều khi hai thứ này không chịu... đồng hành. Đi công tác về mệt mỏi mà bắt phải ngồi viết gấp một ghi chép, ghi nhanh thì cái nghề khi ấy quả là một sự tra tấn...

Tác giả trong một chuyến đi công tác. Ảnh: Thái Bảo

Tôi trong nghề báo
Tôi viết bài báo đầu tiên với tựa đề “Nỗi niềm lấy chồng xứ Đài” đề cập đến hoàn cảnh của những cô gái lấy chồng Đài Loan (một trào lưu cách đây hơn 10 năm). Đó chưa hẳn là một bài báo, tôi cũng chẳng thể định tên cho thể loại bài viết của mình, chỉ biết viết bằng cảm xúc và những điều tai nghe mắt thấy xung quanh. Để rồi, sau cả chục năm, đọc lại mới thấy mình còn quá non kém khi bắt tay viết báo. Có lẽ, khi đọc bài của tôi, mấy anh chị biên tập viên cũng đã sửa “bấy” bài viết rồi, và thêm một chút ưu ái cho cộng tác viên lần đầu gửi nên bài được đăng!
Một bài báo không chỉ thấy gì viết đó là được, viết kiểu vô thưởng vô phạt mà cần phải xác định sau bài báo đó hiệu ứng của nó là gì. Viết khen thì phải tạo ấn tượng để người khác học theo, viết chê phải chỉ ra được cái yếu kém và đồng thời bàn bạc những giải pháp tháo gỡ, nghĩa là không viết theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”! 
Càng dấn thân với nghề, tôi càng thấy mình phải lĩnh hội thật nhiều kiến thức hơn nữa để có thể viết báo và để sau mỗi bài báo, người ta còn nhắc tên mình. Viết mảng văn hóa - nghệ thuật, một mảng viết đòi hỏi vốn sống, sự nhạy cảm và kiến thức rộng lớn đã khiến tôi càng viết càng thấy mình chưa biết về nhiều điều. Và tôi tự hoàn thiện mình trong mỗi bài viết, ở mỗi nhân vật mình gặp và những bài học mà cuộc sống dạy cho mình. Ngay cả cách ứng xử giữa những người thân, bè bạn, đồng nghiệp... cũng cho tôi những trải nghiệm để thấu được tình đời, tình người mà trải lòng trên từng trang viết... Nhà báo viết về mảng văn hóa - nghệ thuật thì thường tự cho mình cái phong thái lan man như thế...
Nhân ngày “Tết nghề” - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 mới có dịp để những nhà báo trải lòng trên những bài viết như thế này. Dù là nghề chọn nhà báo, hay nhà báo chọn nghề thì tôi tin rằng, ai đã dấn thân nghề báo cũng sẽ luôn chắt chiu từng con chữ, gửi tiếng lòng mình trên từng dòng viết. Tiếng lòng đó dù ở những bài viết khác nhau, khen hay chê cũng là đang góp phần mình làm trong sạch xã hội, trong sạch môi trường sống (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), chung tay đồng lòng xây dựng, kiến thiết quê hương.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.