Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4): Đa dạng sắc thái văn hóa các dân tộc ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 18/04/2022 | 16:05

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1668, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ở Bạc Liêu, 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa chung tay đoàn kết từ những ngày mở đất cho đến thời hiện tại cùng nhau phát triển quê hương. Mỗi dân tộc có những sắc thái văn hóa riêng đã hòa quyện để tạo nên bức tranh văn hóa độc đáo, hòa vào nền văn hóa chung của 54 dân tộc Việt Nam.

Các lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc Khmer góp phần làm cho bức tranh văn hóa Bạc Liêu thêm đa dạng. Ảnh: C.T

Giao thoa bản sắc văn hóa

Sự cộng hưởng, giao thoa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em là đặc điểm chung của nền văn hóa Việt Nam đa dạng sắc màu. Bạc Liêu cũng vậy, từ những kiến trúc, công trình văn hóa thuộc di sản quốc gia cho đến những lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực… đều có những nét đặc trưng riêng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Nhưng tựu trung là sự giao thoa độc đáo!

Trong hệ thống di tích cấp quốc gia ở Bạc Liêu, điểm lại sẽ thấy có đầy đủ những công trình mang dáng dấp của 3 dân tộc, đó là Đồng Nọc Nạng, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình An Trạch, Thành Hoàng cổ miếu (chùa Minh), Phước Đức cổ miếu (chùa Bang), chùa Kos Thum, Khu căn cứ Cái Chanh, Di tích lịch sử địa điểm Trận Giồng Bốm (1946). Hòa quyện trong không khí rộn ràng của những lễ hội đặc trưng ở Bạc Liêu như: Kỳ yên, Thanh minh, Nghinh Ông, Dạ cổ hoài lang, Oóc-om-bóc… luôn nhận ra, dù mang nét đặc trưng của mỗi dân tộc thì từng lễ hội vẫn được gìn giữ, phát huy giá trị bởi sự tham gia, hưởng ứng của các dân tộc còn lại. Người Hoa, người Khmer hay người Kinh đều cùng nhau đón tết Nguyên đán, cúng Thanh minh, vui hội Kỳ yên hoặc hòa vào tết Chôl-chnăm-thmây tưng bừng trên từng phum sóc… Bởi vì, trong dòng máu của nhiều người đã có sự hòa quyện của cả 3 dân tộc anh em. Không ít những gia đình ở Bạc Liêu có cả 3 dân tộc hòa quyện trong huyết thống. Cho nên sự giao thoa bản sắc văn hóa cũng bắt nguồn từ đó, rồi từ sinh hoạt đời thường, từ tinh thần đoàn kết thôn xóm mà sự giao thoa văn hóa ở nơi này trở thành quy luật tự nhiên.

Một tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống của dân tộc Hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Cùng bảo tồn, phát huy giá trị

Trên sân khấu của các chương trình lễ hội nói chung, kể cả những tiết mục biểu diễn chào mừng nhiều sự kiện chính trị, tình đoàn kết 3 dân tộc anh em luôn thấm nhuần trong từng giai điệu. Lễ hội hàng năm của mỗi dân tộc đã không còn là lễ hội riêng của dân tộc nào mà hòa quyện thành ngày hội chung. Nhiều kế hoạch, dự án lâu dài để bảo tồn những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa như: các công trình di tích, di sản phi vật thể (đờn ca tài tử, cải lương, điệu múa Rom-vong...) cũng đã và đang được địa phương và ngành chức năng tiến hành. “Đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu rất tự hào và luôn ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng cũng như những phong tục tập quán của mình để góp nét đặc sắc đó vào kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa Bạc Liêu nói riêng”, nghệ sĩ múa Thạch Si Phol chia sẻ.

Truyền thống văn hóa chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Văn hóa các dân tộc anh em chính là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hàng năm, vì vậy là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.