Văn hóa - Nghệ thuật
Nét đẹp văn hóa ẩm thực Khmer
Những năm trước, dịp “vào năm mới” của đồng bào Khmer, tôi thường đến nhà bạn bè chơi, tìm hiểu các sinh hoạt văn hóa tại chùa và thưởng thức các món ăn đặc sản. Năm nay, tuân thủ biện pháp cách ly xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19, tết Chôl-chnăm-thmây được các phum sóc tổ chức với quy mô phù hợp, không đến nhà bạn chúc tết. Cũng vì vậy mà tôi chợt nhớ cái mùi bánh rây, muốn ăn một tô bún nước lèo hơn bao giờ hết!
Làm món “ọm chiếl” (bánh rây, còn gọi bánh dứa) để bán tại một lễ hội ở chùa Khmer. Ảnh: N.Q
“Vào năm mới”, tiễn thần Têvêda năm cũ về trời, đón thần Têvêda khác xuống chăm sóc dân chúng trong năm mới, đồng bào Khmer ở Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đậm bản sắc dân tộc và phần nhiều gắn liền với không gian sinh hoạt tại chùa. Còn trong nhà, gia đình nào cũng lo chà gạo, nếp, chế biến món ăn, làm bánh; sửa sang bàn thờ Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm. Các món ăn, bánh dùng cúng tổ tiên, dâng lên chùa, đãi khách và người trong nhà ăn.
Người Khmer Bạc Liêu chủ yếu làm nghề nông nên các món ăn, thức uống cũng gắn liền với các sản vật mà họ làm ra hoặc sẵn có trong thiên nhiên. Và mắm trở thành món ăn đặc trưng tiêu biểu của người Khmer, điển hình là mắm pro-hốc. Mắm là món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn thường nhật, và là gia vị để chế biến vài món ăn khác.
Mắm pro-hốc là thành phần bắt buộc tạo nên món bún nước lèo trứ danh, không còn riêng của đồng bào Khmer mà trở thành món ăn đặc sản của ĐBSCL. Ở TP. Bạc Liêu, có quán bún nước lèo trên đường Trần Phú (phường 7) nổi tiếng, đã phục vụ thực khách hơn 30 năm qua. Nhiều người con Bạc Liêu xa quê hương, lần nào về thăm nhà cũng phải ăn cho bằng được tô bún nước lèo nơi đây. Chú chủ quán chia sẻ, để nấu bún nước lèo, phải dùng tôm, cá nấu lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương. Nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả, bún ngải giã nhỏ... và mắm pro-hốc. Nước cốt sau nêm nếm và nấu kỹ trong nồi đất tạo thành một thứ nước lèo “trên cả tuyệt vời”!
Các món bánh của bà con Khmer cũng dễ làm ngất ngây lòng người. Nào thì cốm dẹp, bánh rây, bánh tai yến, bánh da lợn, bánh ống lá dứa, bánh gừng, bánh tét... Tất cả đều bắt đầu từ hạt gạo, hạt nếp mà bà con cấy trồng. Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tổ chức tại TP. Cần Thơ hàng năm, bà con Khmer Bạc Liêu đều góp một số món bánh ngọt. Món bánh là thứ không thể vắng trong tất cả các dịp lễ, tết, cúng bái theo phong tục.
Ngoài ra, bà con Khmer còn bổ sung vào kho tàng ẩm thực nước nhà món canh xiêm lo (xiêm lo mít, xiêm lo bình bát...), canh chua nấu với trái chuối xiêm xanh, canh chua nấu bằng bắp chuối thái mỏng với cá khô và lá me non... Mỗi một loại canh đều thể hiện sự phong phú sản vật địa phương, sự khéo léo của người dân.
Sự đa dạng của món ăn đã phản ánh phần nào đời sống của đồng bào Khmer, thể hiện sự thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên. Tiến trình cộng cư hàng trăm năm nay giữa các dân tộc anh em ở Bạc Liêu đã có sự giao thoa, tiếp biến về văn hóa, trong đó có ẩm thực. Cho nên, đối với đồng bào Khmer, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất, mà còn là văn hóa về tinh thần. Đó cũng là một gợi ý cho du lịch ẩm thực, loại hình du lịch kết hợp giữa nhu cầu về trải nghiệm, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương và tham quan các địa danh du lịch trên hành trình khám phá điểm đến của du khách.
Nguyễn Quốc
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”
- Ứng dụng công nghệ tìm danh tính các anh hùng, liệt sĩ
- Triển khai lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp trên VNeID
- Họp thành viên UBND tỉnh: Đóng góp dự thảo các tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh
- Nguồn sỉ vỏ bánh hamburger uy tín
- Khát vọng khởi nghiệp