Mùa Thanh minh…

Thứ Tư, 30/03/2016 | 16:33

Là dịp để người còn sống tưởng nhớ người quá cố, con cháu thể hiện đạo hiếu đối với tổ tiên, ông bà; cũng là nơi để người lớn dạy đàn trẻ con biết nhớ cội thương nguồn… Bắt nguồn từ những ý nghĩa như vậy mà không biết từ khi nào, cúng Thanh minh đã thật sự trở thành mùa lễ hội trong tâm thức của người dân Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung.

Cúng Thanh minh. Ảnh: H.T

1. Mấy hôm trước, gặp chị bạn, chị kể, Tết Thanh minh này gia đình chị tổ chức bốc mộ người mẹ quá cố để mẹ và ba chị được “nằm cùng một chỗ”. Chị nói với tâm trạng buồn: “Thấy người ta bốc dỡ hài cốt của mẹ mình, thật xót đau nhưng chắc mẹ sẽ toại nguyện khi được về chung nơi yên nghỉ với ba”. Thế đó, dù người khuất bóng mấy mươi năm hay trăm năm đi nữa thì trong lòng con cháu, họ vẫn hiện hữu. Hình hài con người ai cũng sẽ thành tro bụi theo quy luật tự nhiên, nhưng ở trong tâm thức mỗi người con, cháu, thì cha mẹ, ông bà vẫn luôn ở bên con cháu mình. Trên chiếc bàn thờ được khói hương hàng ngày, hoặc nơi họ đã an giấc ngàn thu, nghĩa là nơi nào người còn sống tưởng nhớ thì nơi ấy, người thân nơi suối vàng của họ vẫn hiện hữu. Chính vì là để tưởng nhớ, để bày tỏ tấm lòng thơm thảo mà “Thanh minh trong tiết tháng Ba” hàng năm đã trở thành ngày đặc biệt để con cháu thể hiện chữ hiếu với ông bà, cha mẹ của mình.

2. Bác tôi định cư ở nước ngoài đã hơn 30 năm. Lấy đất người xa lạ làm quê hương thứ hai của mình, nhưng những phong tục tập quán đẹp đẽ cấu thành văn hóa, con người Việt Nam thì ông luôn gìn giữ khư khư với quan niệm không bao giờ để mất gốc! Ông ít về nước do điều kiện công việc, gia đình… nhưng sắp xếp được thì dịp cúng Thanh minh luôn được ông ưu tiên hàng đầu để về thăm quê mẹ. Thanh minh năm nay, ông dẫn đầy đủ vợ con, dâu, rể và đám cháu về quê hương như một sự sắp đặt từ rất lâu. Mấy ngày trước khi tổ chức cúng kiếng, ông hướng dẫn con cháu cùng nhau dọn cỏ xung quanh phần mộ ông bà, rồi sơn phết lại những nấm mộ; khi con cháu cùng những anh em, cháu chắt trong dòng họ quây quần bên nhau, những câu chuyện lúc sinh thời của ông bà, tình thương yêu và đức hy sinh của những đấng sinh thành đã được bác tôi, chú tôi cùng nhau tưởng nhớ để kể lại cho con cháu cùng nghe… Tất cả những hình ảnh đẹp đó đều được bác tôi ghi lại bằng chiếc máy quay phim, bác nói: “Đây sẽ là hình ảnh quý cho mấy anh chị khi về bên đó. Bác muốn anh chị tụi con dù sống ở xa quê cha đất mẹ nhưng luôn yêu quý quê hương, nhớ về bản quán và biết cội nguồn, tổ tiên của mình…”.

3. Dưới cái nắng gay gắt, những nấm mộ xếp thành từng hàng trắng nơi nghĩa trang liệt sĩ vẫn đón những dòng người tấp nập vào mùa Thanh minh hàng năm. Người thân dù ở xa xôi vẫn thu xếp công việc riêng tư để về thăm phần mộ người quá cố. Xe nối thành hàng dài, hàng quán mọc lên để phục vụ, khói hương nghi ngút bên những mâm cúng thịnh soạn với thịt, bánh, trái, hoa… Đó là mùa Thanh minh ở các nghĩa trang liệt sĩ. Bên những nấm mộ có người thân, xót lòng thay vẫn còn những ngôi mộ vô chủ, vô danh hoặc người thân vì cuộc sống khó khăn mà không thể quay về… Cho nên, Tết Thanh minh còn là dịp để người ta thể hiện tình người. Dù không quen biết, nhưng hễ thấy mộ nào không được cúng kiếng thì những người đến cúng ở nghĩa trang cũng để chút ít đồ cúng, thắp nhang lên phần mộ đó. Đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào những ngày này, chúng ta còn gặp những bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện tham gia sắp xếp trật tự mua bán cũng như bảo đảm vệ sinh, an toàn cho thân nhân các mộ liệt sĩ đến cúng thanh minh…

Với những nét đẹp ở khía cạnh văn hóa tâm linh, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội văn hóa quan trọng. Đó là một lễ hội nơi người sống tưởng nhớ về người đã khuất bằng cả lòng thương yêu, qua đó tôn vinh nét đẹp của tình người với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ai đi xa cũng biết trở về, mà dù không thể về cũng luôn đau đáu nhớ thương ông bà, tổ tiên mình trong mùa Thanh minh này, có lẽ bởi mỗi chúng ta đã thấm nhuần đạo lý ấy!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.