Văn hóa - Nghệ thuật
Một mối tình…
“Ai phụ tôi có đất trời chứng giám, phận tôi nghèo nào dám trách hờn ai, tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, hay đâu giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây…”.
Buổi trưa, cơm nước xong xuôi, như thường lệ bà Tâm lại bật chiếc radio lên để nghe chương trình ca cổ theo yêu cầu. Câu ngâm não lòng trong bài “Gánh nước đêm trăng” qua giọng ca mùi mẫn của “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn vô tình chạm sâu vào nỗi lòng của bà. Chuyện đời bà chỉ liên quan đến một người, mà nó dài như một cuốn phim nhiều tập vậy.
Ngắn ngủi gì, gần trọn một đời người mà bà vẫn chưa thể nguôi ngoai. Mối tình đó, bà đã yêu và thủy chung đợi chờ mấy mươi năm còn gì. Bè bạn, anh chị em trong nhà thấy xót cho bà, họ nửa đùa nửa thật: “Có chồng vợ gì đâu với người ta mà đòi làm “Hòn vọng phu”, người ta vợ con đề huề rồi đó”. Ừ, bà Tâm biết vậy nhưng sao vẫn không thể quên được hình bóng cũ, mối tình đầu của mình, dù người ta đã phụ tình, mà nào phải chỉ một lần tình phụ…
Hơn 40 năm trước, khi đất nước còn chưa thống nhất, Tâm và Dũng là đôi bạn cùng lớp, tình yêu đã nảy nở giữa cô nữ sinh duyên dáng với anh chàng học giỏi nhất nhì trong lớp. Nhưng mối tình đó sớm xuất hiện một bức tường ngăn cách vô hình. Tâm là con một gia đình theo truyền thống cách mạng, trong khi Dũng được sinh ra trong gia đình tiểu tư sản, cha Dũng luôn hướng anh đi theo tiếng gọi của “phía bên kia”. Tốt nghiệp xong, Tâm trở thành cô giáo, còn Dũng phục vụ trong quân đội của chế độ ngụy quân hồi ấy. Hoàn cảnh ấy đã đẩy đưa hai người mỗi ngày một xa hơn. Tâm khóc biết bao nhiêu trong ngày cha cô quyết liệt buộc cô cắt đứt quan hệ với cái hạng người mà cha cô gọi là phản-vong-tổ-quốc. Tâm còn có quyền chọn lựa nào khác hơn… Giống như Tâm, Dũng cũng không có sự chọn lựa nào khác hơn con đường mà cha đã đặt để cho mình khi anh là con trai duy nhất trong gia đình. “Thôi thì mình chờ khi đất nước hết chia cắt, thống nhất non sông, mình sẽ là vợ là chồng nghe Tâm, Tâm có đợi Dũng không?”. Chính vì câu nói này của Dũng mà Tâm đã đợi chờ suốt một đời…
Ngày non song thống nhất, nối liền một dải cũng là ngày Tâm hay tin Dũng đã cùng gia đình vượt biên như một cuộc trốn chạy. Thời ấy, nhiều người đã chọn hướng đi này, dù là trốn chạy hay một ảo vọng về tương lai nơi miền đất hứa, thì cũng có chút gì đó như phụ rẫy quê cha đất mẹ. Tâm rất buồn mà không giận Dũng, vì cô hiểu Dũng là đứa con hiếu thảo, cô chỉ còn biết đổ lỗi cho… thời thế. Điều mà cô bám víu duy nhất là lời hứa của hai người, cô vẫn hy vọng một ngày anh sẽ trở lại. Biết bao người đến dạm ngõ mà Tâm vẫn khước từ với lý do “không hợp”. “Con gái có thì, con ơi…”, má Tâm nhắc nhở bao nhiêu lần vẫn không lay chuyển được con. Tâm ở vậy, nuôi hết thằng Tín, bé Na con chế Hai, rồi đến bé Huyền, bé Vân con anh Ba…
Năm 31 tuổi, Tâm hay tin Dũng về nước, đó là tin tức đầu tiên cô có được từ khi cách xa người yêu ngót nghét 10 năm. Nhưng giá mà cái tin ấy đừng dài thêm nữa, rằng Dũng về nước với vợ và 2 đứa con. Ai biểu mày đợi chờ, bây giờ người ta vợ con đề huề rồi đó? Tâm tự cứa vào tim mình bằng câu nói đó. “Tâm có đợi Dũng không?”, lời nói ngày nào của Dũng còn bên tai, vậy mà tất cả chỉ là gió thoảng mây bay. Tình yêu, lòng chung thủy đâu phải lúc nào cũng được đáp đền bằng tình yêu và lòng chung thủy đâu, Tâm ơi. Tâm nghe cay cay nơi sóng mũi, mằn mặn ở đầu môi…
Dũng vẫn âm thầm lui tới thăm hỏi Tâm mỗi khi có dịp về nước. Tình vẫn đậm sâu, nhưng lòng tự trọng của một người phụ nữ có giáo dục, sống đúng gia phong lễ giáo giờ đây là bức tường ngăn cách để Tâm khước từ những ngọt ngào, nồng nàn của người đàn ông mà Tâm đợi chờ suốt cả thời xuân xanh… Người bằng da bằng thịt thì Tâm lảng tránh, để rồi tự tìm nhau trong những giấc chiêm bao…
… Ông Dũng cưới vợ lần hai chỉ sau gần 2 năm người vợ cũ qua đời. Cũng không phải là bà Tâm! Còn gì chua xót, đắng cay hơn cho bà. Người thân, bè bạn của bà Tâm đều nghĩ, đó như là… cơ hội để ông Dũng bù đắp cho sự đợi chờ cả một thời con gái, mà không, gần như là cả một đời người! Ai cũng đinh ninh rằng lần cưới thứ hai, người ông Dũng chọn lựa chắc chắn là bà Tâm. Bởi lẽ, trong khoảng thời gian vợ ông mất cho đến khi ông quyết định đi thêm bước nữa, trong những chuyến về nước, ông thường xuyên đưa bà Tâm về nhà như “giới thiệu” với bà con dòng họ về người con dâu tương lai. Và đó cũng là khoảng thời gian bà Tâm như được sống lại cái thời con gái, dù tuổi đã sắp xế chiều… Để rồi một lần nữa, bà rớt nước mắt khi nghe ai đó hát “thôi nhé em người nào phụ tình, lòng buồn một mình ray rứt không nguôi…”. Ray rứt không nguôi mà đi cưới vợ, mình bị phụ tình mới buồn, mới đau đây nè. Ai hỏi, bà giải thích ngắn ngủn: “Tụi nhỏ cưới vợ cho cha chúng mà, tui không buồn trách gì ổng đâu”.
***
Với tay tắt cái radio, bà Tâm kéo ngăn tủ lấy cái túi nhựa đã cũ kỹ ra xem. Trong đó là những bức hình kỷ niệm mà bà giữ gìn như báu vật, hình lớp học năm xưa của bà, ở đó có hai người đã từng hẹn ước cùng nhau. Trong đó còn có những bức thư với nét chữ bây giờ đã nhòa không còn thấy rõ, nhưng nội dung thì bà Tâm đã thuộc nằm lòng… Tất cả vẫn còn đây, nhưng chỉ là kỷ niệm. Một mối tình! Một người vẫn ôm mãi bóng hình năm cũ mà một người đã như bóng chim bay…
Ngoài kia, ráng chiều đổ xuống, hoàng hôn dần buông mà ánh nắng cuối ngày vẫn le lói một vệt sáng như ký ức không bao giờ phai nhạt trong lòng một người…
PHAN ANH
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025