Mẹ Việt Nam anh hùng: Những vết thương lòng chưa nguôi

Thứ Sáu, 28/07/2017 | 16:34

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, “những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang”! Nhìn vào di ảnh chồng, con, những ký ức xưa lại hiện về, choáng ngợp tâm trí…

Vượt qua những nỗi đau
Nghẹn ngào nhìn tên hai con trai được khắc trên Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thìn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bồi hồi nhớ lại ngày nhận giấy báo tử của con trai đầu lòng - liệt sĩ Huỳnh Văn Hột (hy sinh tại chiến trường Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). “Đau lắm con ơi! Mẹ vật vã vì nỗi đau mất con, nhưng chỉ dám cắn răng lặng lẽ khóc thầm trước sự lùng sục gắt gao của quân địch”. Mẹ có 6 người con, 2 người đầu sớm giác ngộ, tham gia cách mạng khi vừa mười tám, đôi mươi. Loạn lạc, giặc giã, mẹ phải dứt ruột rời quê nhà Sóc Trăng dẫn các con thơ về Bạc Liêu chạy nạn, nhưng vẫn đau đáu nỗi lo cho hai đứa con trai đầu.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thìn               

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tâm     

Mẹ VNAH Ngô Thị Vỹ 


Liệt sĩ Huỳnh Văn Hột hy sinh. Vài năm sau đó, mẹ lại nhận được tin sét đánh: con trai thứ ba Huỳnh Văn Sơn cũng ra đi khi chiến đấu oanh liệt với kẻ thù. Đau thương trùm phủ đau thương, mẹ chỉ còn biết biến hận thù, nỗi đau thành sức mạnh.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, các anh em trai nhiều người là liệt sĩ, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tâm (phường 8, TP. Bạc Liêu) sớm giác ngộ cách mạng, tham gia công tác giao liên từ lúc còn niên thiếu. Năm 1954, mẹ xây dựng gia đình với cán bộ Việt Minh - Lê Văn Thưởng. Sau ngày đình chiến, đôi vợ chồng trẻ cứ ngỡ sẽ được sống hạnh phúc trong cảnh đất nước thanh bình, nhưng bè lũ bán nước và tay sai đã phá vỡ hiệp định, tiếp tục xâm lược nước ta với quy mô tàn bạo, khốc liệt hơn. Gia đình mẹ cùng với nhiều gia đình kháng chiến khác bị địch ra sức lùng sục tìm diệt, nhà cửa nhiều lần bị chúng thiêu rụi.
Năm 1962, chồng mẹ anh dũng hy sinh để lại đàn con thơ dại. “Sáng đó, trước khi ra đi ông còn nhờ tôi vá lại dùm cái áo đã rách vai, vậy mà tôi chưa kịp vá thì ông đã ra đi không một lời từ biệt”, mẹ Tâm nghẹn ngào. 
Đau thương, mất mát là vậy, nhưng mẹ vẫn một lòng trung thành với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng và động viên con trai đầu lòng tham gia kháng chiến. Để rồi không lâu sau đó, núm ruột yêu thương của mẹ lại dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.
Gần 90 tuổi nhưng Mẹ VNAH Ngô Thị Vỹ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) vẫn còn rất minh mẫn. Đón chúng tôi với nụ cười hiền, mẹ cùng gia đình kể cho chúng tôi nghe về những ngày đất nước còn khói lửa chiến tranh và những chiến công, sự hy sinh đầy oanh liệt của một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của mẹ Vỹ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ của mẹ Vỹ là Mẹ VNAH, nhiều anh em, con cháu của mẹ là liệt sĩ hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chồng mẹ thoát ly hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ, tình yêu của hai người đã làm rực sáng thêm ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Con gái đầu của mẹ 12 tuổi đã tham gia đoàn dân công, hy sinh khi đang biểu diễn phục vụ bộ đội tại tỉnh Sóc Trăng khi 14 tuổi. 
Nỗi đau chưa dứt thì không lâu sau đó, mẹ Vỹ lại khóc nghẹn khi chồng mẹ - liệt sĩ Lê Phước Tướng (tự Ba Thông, nguyên Huyện ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi) anh dũng hy sinh. Chồng mẹ đã chiến đấu oanh liệt khi bị địch khui hầm ở Minh Diệu (huyện Hòa Bình). Người con trai thứ ba cũng hy sinh vài tháng sau đó. Không chỉ vậy, em trai và vài người cháu của mẹ cũng lần lượt hy sinh để lại những khoảng trống lớn không gì có thể bù đắp nổi.
Kiên cường trả nợ nước thù nhà
Mất mát, đau thương là vậy, nhưng các mẹ vẫn kiên gan, vững chí bền lòng, một lòng sắt son với Đảng, với lý tưởng cách mạng. Ngoài việc chở che, nuôi chứa cán bộ, làm công tác giao liên, hậu cần, dân vận… các mẹ vẫn tiếp tục động viên con em lên đường nhập ngũ, nêu cao gương sáng trung kiên của những người phụ nữ với “tầm vóc phi thường”.
Chồng hy sinh, mẹ Tâm phải một mình chăm lo đàn con thơ dại, vừa làm nhiệm vụ cách mạng phân công. Trước tình cảnh ấy, mẹ phải nhói lòng, gạt nước mắt gửi con cho hai bên nội - ngoại để tiếp tục hoạt động cách mạng. Những lúc nhớ con, mẹ phải bí mật về thăm để rồi nghe tâm tư mình dằn xé khi phải giả vờ cứng rắn rời xa những núm ruột yêu thương! Là cán bộ phụ nữ huyện, mẹ ra sức vận động thanh niên tòng quân đánh giặc, vận động chị em phụ nữ đấu tranh trực diện chống bắt bớ, ruồng bố, giết người vô tội. Lúc hoạt động bí mật, khi hoạt động công khai nên mạng sống của mẹ nhiều lần bị đe dọa. Nhiều lần bị địch bắt, cầm tù tra khảo dã man nhưng mẹ vẫn kiên trung không một lời khai báo. Địch buộc lòng phải trả tự do và mẹ lại tiếp tục con đường đấu tranh vì lý tưởng cách mạng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của mẹ Vỹ cũng lắm gian lao. Sự hy sinh của chồng, của các em và con cháu càng khiến mẹ nung nấu nỗi căm hờn quân xâm lược. Nợ nước thù nhà oằn vai, mẹ quyết lòng gạt đi nỗi đau mất mát để tiếp tục cống hiến, hoạt động cách mạng vì nghiệp lớn. Khi cả xóm đều đi tản cư trước sự oanh tạc, bắn giết dã man của địch, gia đình mẹ vẫn kiên gan bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”. Gia đình mẹ vừa là nơi nuôi chứa cán bộ, vừa là địa chỉ hậu cần cung cấp thuốc men, lương thực, vải vóc cho bộ đội. Những người con gái của mẹ cũng nối nghiệp gia đình làm giao liên, tiếp tế lượng thực cho cán bộ nằm vùng. 
Vừa đảm trách công tác phụ nữ, giao liên, dân vận… (nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Đảng huyện Vĩnh Lợi) và đảm trách nhiều công việc chủ chốt, mẹ thành đối tượng bị lùng sục gắt gao của kẻ thù. Những năm gần độc lập, mẹ phải thoát ly gia đình làm nhiệm vụ, gạt nước mắt gửi đàn con thơ dại cho ông bà ngoại nuôi nấng. Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy, mẹ vẫn một lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, với ngọn cờ của Đảng soi đường!
Chiến tranh đã lùi xa, con cháu của các mẹ giờ đã thành nhân chi mỹ, có địa vị xã hội và giữ những chức vụ quan trọng ở các sở, ban ngành. Nhiều đứa cháu đã là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, có đứa còn du học ở tận Anh quốc, Nhật Bản… học hỏi khoa học tiên tiến của xứ người để kế tục sự nghiệp cách mạng của gia đình về góp sức kiến thiết quê hương. Mẹ Vỹ, mẹ Tâm chuẩn bị đón tuổi Đảng thứ 55 trong niềm hân hoan khôn tả. Chỉ còn mẹ Thìn vẫn canh cánh nỗi niềm vì chưa tìm được hài cốt của người con đầu lòng - liệt sĩ Huỳnh Văn Hột. Nhưng các mẹ vẫn mãi nêu gương cho lớp lớp cháu con, xứng đáng là những cây cao bóng cả của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.