Văn hóa - Nghệ thuật
Lớp dạy kỹ năng sáng tác lời mới bài bản ĐCTT, vọng cổ: Bước đệm cho những tài năng!
“Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên làm được động thái trao truyền kỹ năng sáng tác đờn ca tài tử (ĐCTT), vọng cổ. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”, thạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải (Nhạc viện TP. HCM) đã chia sẻ như thế khi tham gia đứng lớp dạy kỹ năng sáng tác lời mới bài bản ĐCTT, vọng cổ Bạc Liêu. Đây thật sự là bước đệm để chắp cánh cho những tài năng trong tương lai!
Người ta nói: “Gieo giống tốt thì sẽ cho cây sai quả”. Hoạt động nghệ thuật cũng vậy. Những người có tiềm năng rất cần được trang bị nền tảng kiến thức tốt, mới có thể phát huy hết khả năng của họ. Lớp dạy kỹ năng sáng tác lời mới vọng cổ, 20 bản Tổ của ĐCTT (gọi tắt là lớp dạy kỹ năng) do Trung tâm Văn hóa tỉnh chủ công tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giới mộ điệu trong tỉnh.
Thạc sĩ Huỳnh Khải truyền đạt kiến thức cho học viên. Ảnh: N.V
Mục tiêu của lớp dạy kỹ năng là viết được những bài ca theo điệu thức của 20 bản Tổ, vọng cổ. Song, do thời gian học ngắn, nên các tác phẩm chỉ “gói ghém” ở dạng tiết mục (khoảng 4 - 6 phút), chứ không tập trung viết thành bài dài đủ 6 câu được. Dù gặp gỡ và tiếp thu kiến thức trong thời gian không dài, nhưng các học viên đã bộc lộ nhiều tài năng. Theo đội ngũ quản lý lớp dạy kỹ năng, tuần đầu tiên sau khi khai giảng, đã có một số học viên nộp bài cho giảng viên chỉnh sửa. Dẫu còn non nớt về nghệ thuật, vụng về trong cách đặt câu, gieo vần, nhưng từ những “viên gạch” đầu tiên như thế sẽ giúp cho người đam mê âm nhạc tài tử có nền móng để phát triển nghề của mình. So với một số loại hình nghệ thuật khác thì ĐCTT, vọng cổ dễ phản ánh sức sống thời đại. Chẳng hạn như trong một bản tài tử viết lời mới, tác giả có thể dễ dàng lồng ghép những chủ trương của Đảng, Nhà nước, hay phản ánh hơi thở cuộc sống ở nông thôn mới bây giờ ra sao, quê hương mình giàu đẹp như thế nào… Chính vì thế, mở lớp dạy kỹ năng này là việc làm thiết thực và ý nghĩa. Ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Đây là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Dù còn 2 năm nữa mới đến ngày kỷ niệm, nhưng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chuẩn bị dài hơi cho sự kiện trọng đại này. Tôi cũng rất mừng khi lớp kỹ năng xuất hiện nhiều nhân tố trẻ. Điều này chứng tỏ chuyện “tre già măng mọc” đã dần trở thành sự thật”. Còn thạc sĩ Huỳnh Khải thì cho rằng đây là hoạt động “đặc biệt”. Đặc biệt không nằm ở chỗ hoành tráng và long trọng, mà là “chính những lớp ngắn hạn như thế này sẽ tạo cho người học ý thức được giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam, đồng thời đóng góp cho sự bảo tồn và phát triển của ĐCTT, vọng cổ”, thạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ.
Bên cạnh những học viên ở địa bàn trung tâm thì còn có rất nhiều học viên ở các xã vùng sâu cũng tranh thủ đến góp mặt tại lớp học này. Trong số các học viên của lớp, có một trường hợp khá đặc biệt, đó là chị Thạch Lam Phương (phường 8, TP. Bạc Liêu). Bị khiếm khuyết về đôi chân, phải gắn bó đời mình với chiếc xe lăn, nhưng Lam Phương vẫn miệt mài đến lớp. “Tôi đam mê sáng tác, nên những lớp học như thế này tôi đều tham gia để mở mang kiến thức. Tham gia lớp dạy kỹ năng, tôi đã học được nhiều điều bổ ích trong sáng tác như: cách gieo vần, đặt thơ lục bát vào vọng cổ sao cho hay…”, Lam Phương bày tỏ.
Từ lý thuyết đến thực hành sáng tác là cả một hành trình, phải có sự rèn luyện lâu dài thì mới có thể theo đuổi loại hình nghệ thuật mình đam mê. Tuy chỉ diễn ra gần 6 tuần, nhưng lớp dạy kỹ năng sẽ là nền tảng để người đam mê sáng tác ĐCTT, vọng cổ đeo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
Ngọc Vũ
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu
- Nệm cao su aroma giá rẻ