Văn hóa - Nghệ thuật
Lời thề “Quyết tử” nơi Trái tim Châu Thới
Hàng năm, vào ngày 19/5 trên cả nước, đặc biệt là những nơi có đền thờ Bác đều long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày sinh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Nhân dân huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), ngày 19/5/1972 còn là một cột mốc kỷ niệm sâu sắc. Đó là ngày Huyện ủy Vĩnh Lợi tổ chức khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới.
Nhân dân và chiến sĩ Châu Thới chụp ảnh kỷ niệm ngày 19/5/1972 tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L
Đầu năm 1972, Huyện ủy Vĩnh Lợi quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Văn Năm (Ba Hiếu) - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo đã chỉ định cha con ông Khưu Minh Khuôl, Khưu Minh Ngól thiết kế và xây dựng đền thờ. Ban chỉ đạo vận động người dân ấp Bà Chăng chia nhau mỗi người mua một ít vật liệu để qua mắt các đồn địch. Một trong các phụ nữ đi mua vật liệu là bà Năm Nghiếl (Nguyễn Thị Nghiếl - nay ở gần Đền thờ Bác) kể lại, khi đi qua đồn, bà bị chúng giữ lại đòi tịch thu, bà vừa la, vừa khóc: “Tôi mua đồ về xây mả cho cha tôi, mấy tụi bây lấy quyền gì mà đòi lấy”, bọn lính đồn phải để cho bà đi qua…
Ngày 19/5/1972, sau 24 ngày đêm xây dựng, Huyện ủy Vĩnh Lợi long trọng tổ chức khánh thành Đền thờ Bác Hồ với sự chứng kiến của hơn 1.000 người dân Châu Thới và toàn lực lượng các cán bộ, chiến sĩ của huyện. Người người đến dự với tâm trạng tự hào, hớn hở, tay cầm nải chuối, mâm xôi, con gà như đến cúng viếng người thân mình.
Đặc biệt tại buổi khánh thành, đội bảo vệ Đền thờ chính thức ra mắt, gồm 7 đồng chí: Trần Văn Khoa (Đội trưởng), Lữ Văn Hôn, Lữ Văn Sệt, Đặng Văn Mười, Dương Văn Đực, Nguyễn Văn Mần, Trần Văn Hoặc. Đội bảo vệ đã gài mìn, lựu đạn, đạp lôi, chông… tạo thành bãi lửa xung quanh Đền thờ. Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi - Lê Văn Năm chỉ đạo các đơn vị nắm thông tin, nếu địch đi càn về hướng Đền thờ thì báo cáo ngay để kịp thời tập trung lực lượng hỗ trợ đánh địch, không cho chúng tiến tới gần khu vực Đền thờ.
Những ngày sau khi khánh thành Đền thờ Bác, khí thế cách mạng của quân dân Bạc Liêu ngày càng dâng cao, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Bọn Mỹ - ngụy lo lắng, tìm cách để càn vào khu vực Đền thờ, nhưng lần nào bọn chúng cũng thất bại. Khi ấy có người gọi Đền thờ Bác là “Trái tim Châu Thới”.
Đầu tháng 3/1973, địch dùng 4 chiếc máy bay bắn phá Đền thờ. Để bảo vệ Đền thờ, đồng chí Nguyễn Văn Khoa ra lệnh cho đội viên chia làm 4 mũi ra xa khu vực Đền thờ bắn dụ máy bay địch. Kết quả, đội bảo vệ đã dụ được máy bay địch ra khỏi khu vực và bảo toàn được lực lượng. Sau sự kiện ấy, Huyện ủy Vĩnh Lợi đã biểu dương tinh thần mưu trí, anh dũng của Đội bảo vệ và phát động phong trào “Quyết tử để bảo vệ Đền thờ Bác”. Phong trào được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng, cùng một lời thề “Quyết tử để bảo vệ Đền thờ Bác”. Lời thề ấy đã được thể hiện trong những trận đánh quên mình của các chiến sĩ khi giặc có ý định càn vào khu vực Đền thờ; làm cho kẻ thù khiếp sợ, chùn bước khi hành quân vào khu vực ấp Bà Chăng. Có bài vè rằng:“Bà Chăng đi dễ khó về/ Khi đi tàu sắt khi về tàu cây…”.
Với lời thề “Quyết tử”, quân dân Vĩnh Lợi nói riêng, Bạc Liêu nói chung đã bảo vệ nguyên vẹn Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngày đại thắng mùa xuân năm 1975. Và sau đó, trải qua quá trình tôn tạo, trùng tu, đến nay Đền thờ Bác đã ở tầm vóc là một điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long!
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên mở cửa đón khách, những đoàn khách Trung ương luôn ghé thắp hương mỗi khi về Bạc Liêu. Các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cũng chọn đây là “địa chỉ đỏ” để dừng chân. Tháng 9 - nhân dịp giỗ Bác, hay tháng 5 - sinh nhật của Người, nơi đây lại đón những bước chân trở về. Bởi Đền thờ Bác vừa là di sản văn hóa tinh thần, vừa là di tích lịch sử cấp quốc gia, điểm sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
HỮU LONG