Văn hóa - Nghệ thuật
Lỡ thời
Người ta thường dùng hai từ ấy để nói về chị chồng tôi. Gần 50 tuổi, chưa có một tấm chồng, phụ nữ ở quê cái tuổi ấy mà còn phòng không thì coi như… rồi. Gái lỡ thời…
Nhà chồng tôi rất đông anh em, chị là con gái lớn trong gia đình. Không nói ra nhưng ba má gần như đã ngầm giao cho chị cái bổn phận làm người mẹ thứ hai, chị quần quật tảo tần cùng ba má nuôi bầy em trong nhà gần… một chục đứa! Mới 7 - 8 tuổi đầu, chị đã có ba đứa em, trong đó có chồng tôi. Tất tần tật việc, chị đều làm được, từ trông giữ, đến ẵm bồng, đút cơm cho mấy đứa em, chị hiển nhiên thành người phụ nữ đảm đang ngay từ khi chưa trở thành thiếu nữ. Những vất vả khi cả ngày quần quật làm lụng nuôi đàn con nheo nhóc đã làm ba má nhiều khi quên rằng, chị chỉ là đứa con nít mà thôi. Vì những lúc sơ sẩy làm em té ngã, khóc la thì chị luôn là người chịu la mắng đầu tiên và nhiều nhất, có khi còn chịu những trận đòn oan. Rồi sau đó, má khóc còn nhiều hơn chị, vì nghĩ lại hối hận, thương con gái mình…
Vì bận bịu lo lắng cho đàn em, cộng với cái tư tưởng chưa tiến bộ của ba thời trước: rằng con gái thì không quan trọng chuyện học hành, thế là chị học mới hết lớp 2 đã bị cho thôi học. Đến sau này, khi tư tưởng của ba được “đả thông” rồi thì những đứa em gái của chị mới được học hành tới nơi tới chốn, chị trở thành người duy nhất trong nhà lỡ dở chuyện học hành. Chị cứ loay hoay lo cho con Ba, thằng Tư, thằng Sáu, út Nhất, út Nhì… đến nỗi tuổi con gái qua đi mà chị không hề hay biết. Hình như cũng có mấy người con trai trong xóm để ý thương chị, cậy người mai mối nhưng chị không tạo cơ hội cho mình, không biết tại không duyên nợ hay vì chị luôn bận bịu với những đứa em thơ…
Giờ thì những đứa em của chị đã lớn, chị đã thành người phụ nữ trung niên. Nhìn chị, người ta thấy một mẫu người phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó, ai cũng bảo: “Con Hai đẹp người, đẹp nết lại giỏi giang bếp núc, ai mà cưới nó thì phúc cả đời”, chị thì chỉ cười hiền: “Con già rồi, cỡ này ai mà cưới nữa mấy thím ơi”…
Ừ, thì gần già rồi, mà chị vẫn chưa ngơi nghỉ, cũng vì đàn em. Mấy đứa em trai lấy vợ chốn thị thành, là dân công sở nên công việc nhà đứa em dâu nào cũng tỏ ra vụng về. Thế là cuối tuần tập trung về nhà nội ở quê, chị Hai lại trở thành “chị nuôi” của cả gia đình. Món ăn nào cũng chính tay chị tự chế biến, nấu nướng. Mấy đứa cháu, đứa nào cũng mè nheo, nhõng nhẽo với cô Hai: “Con chỉ thích cô Hai nấu ăn, cô Hai dọn phòng cho con chơi…”. Cái gì chúng cũng nhờ cô Hai, vì cô là người chịu đựng chúng giỏi nhất…
Ngày xưa thì chị vì đàn em mà lỡ dở một đời, không có được mái ấm riêng tư. Giờ đây, chị lại tiếp tục là người mẹ thứ hai của đàn cháu, con của mấy đứa em trong nhà. Sự dịu dàng, chịu thương chịu khó không một lời thở than của chị khiến tôi đôi khi nhìn mà thấy rưng rưng khóe mắt…
Lỡ thời, thời của chị đã lỡ mất rồi. Ở quê tôi, những nhà nào đông con dường như thường tìm thấy những người chị lỡ thời như chị chồng tôi. Mẫu hình người phụ nữ ấy cũng là nét đẹp hồn hậu, chân phương của phụ nữ nông thôn…
Nhật Anh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam