Văn hóa - Nghệ thuật
Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang: Tri ân và cống hiến!
12/8 âm lịch hằng năm là ngày mà các thế hệ nghệ sĩ trên khắp đất nước trang trọng tổ chức Lễ giỗ Tổ sân khấu để tri ân Tổ nghề và những nghệ sĩ tiền bối đã có công đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu. Kể từ năm 2011 (ngày 4/11), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Cũng trong những ngày này, ở Bạc Liêu còn có một ngày kỷ niệm đặc biệt, Rằm tháng Tám năm 1919, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã khai sinh bản Dạ cổ hoài lang (DCHL), tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Năm nay đã là 105 năm ra đời bản nhạc lòng bất hủ ấy!
DCHL - BẢN NHẠC LÒNG BẤT HỦ
DCHL luôn gây bất ngờ trong đong đầy cảm xúc mỗi khi bản nhạc xuất hiện, dù ở bối cảnh nào! Có lẽ vì ngay trong chính mỗi câu từ, nhịp phách, DCHL đã gieo thương gieo cảm trong lòng người nghe.
Như mới đây nhất, trong “Anh trai vượt ngàn chông gai” - một chương trình đang thu hút khá đông giới trẻ trên truyền hình, DCHL được đội Mứt Gừng chọn dàn dựng để tranh tài. Tiết mục được đầu tư công phu đã lấy nước mắt và gom đầy cảm xúc cả trường quay khi ca sĩ Bằng Kiều ngân câu vọng cổ phụ họa cho bối cảnh ra đời bản DCHL… “Âm nhạc khơi dậy truyền thống yêu nước từ ngàn đời của ông cha đã ngấm trong máu thịt của dân tộc Việt Nam. DCHL xứng đáng viral (nổi tiếng) trên các nền tảng” là nhận xét của một khán giả khi thưởng thức tiết mục!
Đúng như hiểu biết của vị khán giả nọ, bối cảnh ra đời của bản nhạc tích tụ đủ nỗi niềm chung - riêng: của câu chuyện gia đình, của vận mệnh đất nước thời bấy giờ! DCHL ra đời trong hoàn cảnh vợ chồng chia ly bởi quan niệm “Tam niên vô tử bất thành thê” cùng với bối cảnh đương đại là có biết bao người vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con ra chiến trường. Nỗi niềm riêng hòa vào bối cảnh chung của đất nước đã thôi thúc người nhạc sĩ tài hoa cho ra đời bản nhạc lòng bất hủ ấy vào đêm Rằm tháng Tám năm 1919.
Bản DCHL vừa ra đời đã nhanh chóng lan tỏa, chiếm được cảm tình của người hâm mộ và có đóng góp nhất định trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam. Những lần được các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ nâng lên thành các nhịp khác nhau với nhiều sáng tác đặc sắc là mỗi lần DCHL bước lên một bậc thang mới. Vọng cổ nhịp 4, 8, 16, 32, 64 hình thành, phát triển nhờ công vun bồi của bao thế hệ nghệ nhân tiền bối như Lư Hòa Nghĩa, Trần Tấn Hưng, Trịnh Thiên Tư, Ba Chột, Lý Khi…
Đến nay, trải qua hơn 100 năm, DCHL vẫn sống mãi trong lòng người mộ điệu, như lời cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê từng nhận định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như DCHL trở thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác của tập thể. Sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa muôn hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.
Lễ kỷ niệm 104 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang và Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2023 tổ chức tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T
CỐNG HIẾN BẰNG TÀI NĂNG, TÂM HUYẾT
Đối với người nghệ sĩ cải lương, Lễ giỗ Tổ gắn liền với Ngày Sân khấu Việt Nam 12/8 âm lịch hàng năm là một ngày trọng đại. Cũng như đại đa số nghệ sĩ khắp đất nước, trong ngày này, đông đảo nghệ sĩ, diễn viên ở Bạc Liêu, kể cả giới mộ điệu cải lương, đều tề tựu về Nhà hát Cao Văn Lầu hoặc tổ chức ở các đoàn hát tư nhân để thực hiện lễ nghi cúng bái cảm tạ Tổ nghề.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phạm Anh Chàng chia sẻ: “Giỗ Tổ sân khấu đã trở thành ngày hội trong tâm thức anh chị em nghệ sĩ. Đứng trước bàn thờ Tổ nghề, thắp nén nhang với tất cả lòng thành kính, chúng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải làm nghề tử tế, không bao giờ tự mãn mà luôn nỗ lực và cống hiến hết mình”. Đối với người nghệ sĩ, cách bày tỏ lòng tri ân công lao của những thế hệ đi trước đã có công vun bồi cho một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc chính là ra sức cống hiến bằng tài năng, tâm huyết của bản thân, làm dày thêm bản báo công dâng lên nghiệp Tổ! Đó là làm sao để sân khấu với nước mắt, nụ cười luôn làm hài lòng khán giả mọi thời đại; làm sao để trên những hào quang của ánh đèn sân khấu, khán giả thấy được bóng dáng cuộc đời thật ở đó, để mỗi vở tuồng không chỉ mang tính giải trí, mà còn hướng người ta đến cách sống chân - thiện - mỹ.
Các nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, những người đang nỗ lực từng ngày, dù chỉ ở tuyến vai diễn phụ, người nhạc công, hậu đài... ở vị trí nào cũng luôn thành tâm với nghiệp Tổ, tận tụy cống hiến cho nền văn hóa - nghệ thuật nói chung, lĩnh vực sân khấu nói riêng để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp vào đời sống xã hội. Đó là sứ mệnh chung của những người đứng dưới chân bàn thờ Tổ nghề!
Cẩm Thúy
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước