Văn hóa - Nghệ thuật
Kịch bản sân khấu cải lương mới: Đang khủng hoảng?!
Làm mới kịch bản sân khấu cải lương (SKCL) cũ, hay xây dựng vở mới mang hơi thở cuộc sống thời đại; tác giả viết kịch bản cũ thưa vắng, trong khi những người mới để kế thừa nhiệm vụ này quá hiếm hoi... Xung quanh vấn đề kịch bản cho SKCL từ nhiều năm nay vẫn loay hoay với hai chữ cũ - mới như thế! Nhất là mỗi khi liên hoan, hội thi liên quan đến SKCL “đến hẹn lại lên”.
ĐIỆP KHÚC “BÌNH CŨ RƯỢU MỚI”
Hơn 1.200 nghệ sĩ, diễn viên, hơn 30 đơn vị nghệ thuật, hơn 30 vở diễn tranh tài quyết liệt và sắp về đích tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 vào đêm 15/11 này. Đó là những con số biết nói, “nói” một cách khách quan rằng: SKCL vẫn còn nổi đình đám trên thị trường giải trí đa sắc màu và nhiều lựa chọn hôm nay! Một sân chơi quy tụ chừng ấy thí sinh, vở diễn và phía sau còn là đội ngũ đạo diễn, tác giả... cho thấy sức sống của SKCL vẫn còn đó. Thế nhưng, sống như thế nào là điều khiến người trong cuộc (trong đó có cả những khán giả say mê và hiểu biết về cải lương) băn khoăn, trăn trở về một hướng đi thích ứng với thời cuộc, với khán giả hôm nay. Trong đó, băn khoăn nhất vẫn là xương sống của SKCL: kịch bản!
Tham gia liên hoan năm nay, cả 3 vở của Bạc Liêu đều là “bình cũ rượu mới” - dàn dựng từ những kịch bản đã có trước đó. Nếu “Trước bình minh” (Hội Sân khấu Bạc Liêu dự thi) từng được Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải cũ) tham gia Hội diễn Sân khấu cải lương toàn quốc năm 1985 với “mưa” thành tích, thì “Giọt máu oan cừu” (Hội Văn nghệ dân gian dự thi) cũng đã từng được đoàn cải lương này dàn dựng thành công vang danh một thời. “Sáng mãi vầng nhật nguyệt” (Nhà hát Cao Văn Lầu dự thi) trước đó cũng từng “làm mưa làm gió” với những tên gọi khác nhau trên SKCL, sân khấu chèo ở thủ đô Hà Nội. Làm sao để tạo chất men say nồng cho khán giả từ “rượu mới” trong chiếc “bình cũ”, quả thật không dễ dàng, bởi bóng dáng thành công của những người đi trước quá lớn!
Chọn vở cũ dự thi không phải là chuyện riêng của Bạc Liêu, kịch bản “Anh hùng” (tác giả Vương Huyền Cơ, chuyển thể cải lương Ngô Linh) cũng được Công ty giải trí Vũ Luân Entertainment dàn dựng thành “Anh hùng đất phương Nam” tranh tài tại liên hoan. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Luân - trong vai anh hùng Nguyễn Trung Trực, chia sẻ: “Vở diễn góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
NSƯT Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, phân tích: “Trong lúc chưa tìm ra kịch bản cải lương mới thì việc giữ được cái hay, cái tinh túy của những kịch bản cũ là thiết thực! Thông qua những vở diễn tham gia liên hoan, chúng tôi muốn khắc họa thêm cho đậm nét, bởi cái gì thuộc về truyền thống, tinh hoa thì cần giữ và phát huy giá trị. Khó so sánh được với các thế hệ tiền bối, nhưng học theo để trưởng thành là điều nghệ sĩ luôn hướng đến. Những tác giả viết kịch bản bây giờ đếm trên đầu ngón tay, chưa nói đến việc viết kịch bản hay. Những kịch bản cũ thì quá hay, cho nên điều cần thiết là làm cho mới những vở ấy theo cách của lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay”.
Nghệ sĩ ưu tú Giang Tuấn và nghệ sĩ Hồng Nhiên trong vở cải lương “Trước bình minh” - vở dự thi của Hội Sân khấu Bạc Liêu tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024.
Nghệ sĩ ưu tú Giang Tuấn và nghệ sĩ Hồng Nhiên trong vở cải lương “Trước bình minh” - vở dự thi của Hội Sân khấu Bạc Liêu tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024.
TRE TÀN NHƯNG... MĂNG CHƯA CÓ
Đây là vấn đề không riêng của Bạc Liêu mà xét trên bình diện chung cả nước! Sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa, cùng với những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đội ngũ diễn viên hùng hậu tham diễn mỗi mùa liên hoan tuy làm cho SKCL rầm rộ nhưng giữa cái rầm rộ đó lại không tìm được những kịch bản mới mang hơi thở thời đại, đủ sức cuốn người trẻ hiện nay. Có ý kiến cho rằng, vì SKCL vẫn còn ở chế độ được bao cấp (không phải tính chuyện nguồn thu và sự cạnh tranh) nên chậm đổi mới. Đúng, nhưng thực tế cũng còn nhiều cái khó khác nữa!
Đành rằng, không lãng quên những vở cải lương truyền thống, những đề tài cách mạng để nuôi dưỡng tình yêu đất nước, giáo dục truyền thống cho lớp trẻ về sự tri ân nguồn cội; nhưng khán giả hôm nay vẫn rất cần những vở thật sự “chạm” vào thế giới hiện tại. Không ít vấn đề nổi cộm cần SKCL “nhúng tay” vào, nghệ thuật hóa thành những tuyến hình tượng nhân vật đa dạng để truyền tải thông điệp thiết thực cho lớp người hôm nay.
Hiện trạng “tre già mà măng chưa mọc” đang là nỗi lo lớn cho SKCL. Thậm chí là tre đã tàn, như ở Bạc Liêu, những soạn giả tài hoa Yên Lang, Trọng Nguyễn, Hữu Nghĩa… đã không còn nữa, nhưng khó tìm đội ngũ kế thừa.
Có một cái vòng luẩn quẩn như thế này: người cũ (những soạn giả tên tuổi) viết chắc tay thì thường viết những kịch bản mang tính chất truyền thống, chưa kịp thời cập nhật những vấn đề nóng hổi của thời đại, còn người mới thì luôn cập nhật thời sự, hiểu biết thời cuộc nhưng lại thiếu cái tầm để viết ra những kịch bản hay! Cứ thế mà SKCL chưa hoặc rất chậm trong việc cập nhật đưa vào kịch bản mới để thu hút lớp trẻ.
Trong Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 tổ chức tại Bạc Liêu, NSƯT Ca Lê Hồng - người có hơn 60 năm làm nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, quản lý đào tạo và giảng dạy cải lương, cho rằng: “Điều quan trọng và tiên quyết quyết định sự thành công của nghệ sĩ, diễn viên chính là nhờ chọn được trích đoạn hay và phù hợp với khả năng của từng nghệ sĩ, diễn viên thì mới có thể thăng hoa, tỏa sáng trong vai diễn”. Bà cũng cho rằng, soạn giả luôn được xem là “thầy tuồng” của sân khấu, là người quyết định sự thành bại của một vở diễn chỉ sau đạo diễn.
Thế mà, bên cạnh sự rầm rộ của thế hệ nghệ sĩ (người trực tiếp biểu diễn) thì những thầy tuồng - đội ngũ sáng tác - ngày càng ít về số lượng. Điều này chắc chắn sẽ níu bước sự phát triển của SKCL. Làm mới vở cũ, và viết mới những vở thật sự mới để phù hợp với đối tượng khán giả hôm nay rất cần đội ngũ viết kịch bản có tâm, có tầm, hội đủ kiến thức, tài năng và đam mê.
Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho những nhân tố tiềm năng, những trại sáng tác cần có phương án tổ chức viết về cải lương với nội dung, thể loại đa dạng, đi sâu vào nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội để tác phẩm sau khi ra đời có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả. Và phía sau câu chuyện này còn là một tầm nhìn bao quát, hướng đến việc gìn giữ và phát triển SKCL của ngành quản lý. Lúc đó mới có những chiến lược, định hướng dài hơi, chuyên sâu.
Kết lại, ở câu chuyện cũ - mới trong việc “đào” cho ra những kịch bản SKCL có sức hấp dẫn người xem, chưa hẳn tùy thuộc vào vấn đề đầu tư kinh phí, nghĩa là không phải có tiền là có tất cả. Bởi viết một kịch bản cải lương hay, sâu, có đất diễn và chạm vào cảm xúc khán giả hôm nay đòi hỏi quá nhiều yếu tố!
Bài và ảnh: Cẩm Thúy
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản