Khởi sắc đời sống văn hóa ở các phum sóc

Thứ Hai, 08/05/2023 | 16:23

Về các phum sóc sau dịp tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc từ diện mạo làng quê đến đời sống văn hóa (ĐSVH) của người dân. Việc gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” với các lễ hội, nét văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc đã thực hiện tốt việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, cũng như góp phần xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa.

UBND xã Vĩnh Trạch Đông và chùa Xiêm Cán tổ chức trò chơi dân gian trong dịp tết Chôl-chnăm-thmây năm 2023.

VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC GIỮ GÌN

Năm nay, gia đình ông Sơn Kiệt (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) đón tết Chôl-chnăm-thmây khá đơn giản nhưng không kém phần đầm ấm, vui tươi. Không thịnh soạn như trước đây, các lễ vật dâng vào chùa hay những mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày tết được nhà ông chuẩn bị vừa phải. Ông cũng không quên nhắc các con, cháu phải giữ việc mặc trang phục truyền thống, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và vui tết không quá đà.

Đón tết trên tinh thần vui tươi, tiết kiệm và văn minh của gia đình ông Kiệt cũng là cách nghĩ, cách làm của nhiều hộ đồng bào Khmer hiện nay. Đó cũng là “quả ngọt” của việc lồng ghép phong trào xây dựng ĐSVH với lễ hội văn hóa Khmer, góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được tỉnh đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao bao phủ hết các ấp. Riêng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được trang bị khá đầy đủ các phòng chức năng, sân khấu, sân bóng chuyền, bóng đá để người dân đến sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện sức khỏe.

Hằng năm, xã thường xuyên phối hợp với Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu tổ chức chương trình nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao nhằm phát huy công năng thiết chế văn hóa, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Ngoài ra, vận động Ban quản trị các chùa Khmer trên địa bàn phát triển các đội, nhóm múa hát về nghệ thuật Khmer, tổ chức giải đua ghe Ngo vào các dịp lễ hội để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Diện mạo khang trang ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đạt chuẩn văn hóa. Ảnh: H.T

GÓP SỨC XÂY DỰNG KHU DÂN CƯ VĂN HÓA

Đời sống tinh thần khởi sắc, văn hóa truyền thống được bảo tồn là nguồn động lực để đồng bào Khmer chung tay xây dựng khu dân cư, gia đình đạt chuẩn văn hóa. Hằng năm, số hộ tại các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống được khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng lên. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ dân tiêu biểu về nếp sống văn minh, chí thú làm ăn vươn lên khá giả, có nhiều đóng góp cho các phong trào, hoạt động an sinh xã hội của địa phương

Đơn cử như các hộ: Thạch Hồng Tuấn, Sơn Chuột, Lý Thông… được UBND xã Vĩnh Trạch Đông tuyên dương với thành tích 3 năm liền giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2020 - 2023. Bên cạnh việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tuân thủ các quy định pháp luật, các hộ này còn là những “hạt nhân” giúp chính quyền địa phương tuyên truyền nội dung phong trào xây dựng ĐSVH đến với đồng bào Khmer. Với uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, họ cũng thường xuyên tham gia hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cuộc sống của các hộ xung quanh để giữ gìn trật tự, mối đoàn kết trong khu dân cư.

Sự phát triển của phong trào xây dựng ĐSVH trên địa bàn tỉnh nói chung, những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống nói riêng đã góp phần giúp các phum sóc chuyển mình không chỉ về diện mạo mà còn rực rỡ bản sắc văn hóa dân tộc.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.