Khởi nghiệp ở tuổi… 60

Thứ Tư, 11/05/2022 | 17:04

Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vũ - Võ Bạc Liêu -Võ Thị Hồng Thoại (bên phải) giới thiệu nước mắm cá cơm Thiên Phú.

Những bãi đất ngổn ngang đang trong quá trình xây dựng để nới rộng thêm bến bãi. Nhiều chiếc tàu đang được công nhân hì hục sửa chữa dưới cái nắng gắt gao của miền biển. Cách đó vài chục bước chân, mùi nước mắm từ mấy bể chứa tỏa thơm phức… Đó là không gian của hai công ty nằm sát nhau và đều do một người phụ nữ quán xuyến: bà Võ Thị Hồng Thoại - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vũ - Võ Bạc Liêu kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào.

Đây cũng là nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng giữ nhiệm vụ Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu khóa XIII.

Từ khát vọng hướng về phía biển…

Ở xứ này, nhiều người biết bà Thoại từng là nữ “tư lệnh” của ngành công nghiệp - một lĩnh vực thường được gán vào sự cứng rắn của người đàn ông; biết bà là nữ ĐBQH xông xáo và nhiệt tình với cử tri. Nhưng nói bà bắt đầu khởi nghiệp từ tuổi 60, sau khi đã cởi bỏ “áo mũ quan trường” thì chắc chắn có người lần đầu tiên nghe đến! Biến những ý tưởng ấp ủ vài chục năm trước thành hiện thực với không ít gian truân, bà khiêm tốn cho rằng đó chỉ là... hạt cát. Cũng theo bà, “nhiều hạt cát mới hội tụ thành bãi cát”. Xin được bắt đầu câu chuyện khát vọng hướng về phía biển của “một hạt cát”!

Thời kháng chiến, bà Thoại từng tham gia đội quân biệt động thành với những chiến tích vang dội. Đất nước yên bình, bà tiếp tục phụ trách nhiều lĩnh vực nhưng trụ lâu nhất là lĩnh vực công nghiệp. Khát vọng cống hiến bằng chính năng lực, ngành nghề mình phụ trách khởi phát từ đó. “Xuất thân từ ngành công nghiệp 30 năm trước, trong đó có 10 năm trong vai trò điều hành, quản lý, được đào tạo chuyên môn gắn liền với thực tế, khi được dân cử làm ĐBQH, tôi càng muốn hiện thực hóa ý tưởng phát triển sản xuất công nghiệp cho tỉnh nhà”, bà Thoại chia sẻ trong lúc dẫn chúng tôi tham quan “công xưởng” của mình.

Vậy là trong quá trình 9 năm làm nhiệm vụ, đi đâu, nữ ĐBQH này cũng quan tâm học hỏi kinh nghiệm, mô hình sản xuất để nuôi nấng ý tưởng, khát vọng cháy bỏng cho quê hương. Ngày 20/10/2016 bà được quyết định nghỉ hưu thì ngay sau đó 2 ngày - ngày 22/10, bà bắt đầu hành trình đi tìm cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng, khởi nghiệp ở cái tuổi thường người ta chỉ muốn nghỉ ngơi. Lĩnh vực khởi nghiệp - cũng là lĩnh vực bà am hiểu nhất, ghi nhiều dấu ấn của bà nhất: sản xuất công nghiệp, mà cụ thể là đóng, sửa chữa tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Bởi theo bà, đây là một nghề phù hợp với nhu cầu của Bạc Liêu, hơn nữa tỉnh có nhiều nghị quyết về kinh tế biển (ngay từ năm 2012 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 04 về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Tiếp đó là Nghị quyết 13 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và sau đó, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI cũng xác định phát triển kinh tế biển là một trong 5 trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh). Phát triển kinh tế biển đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ và được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thế nhưng vẫn còn nhiều trở lực trên con đường hình thành nên sức bật mới cho một tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Đầu tiên, bà Thoại khảo sát, trưng cầu ý kiến đối với 60 khách hàng ở các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Phan Thiết, Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và dĩ nhiên có Bạc Liêu. Bà nhận về 3 đại ý như sau: Thứ nhất, cửa biển Gành Hào đã đi vào tâm thức, tình cảm của bao thế hệ ngư dân, là trung tâm khu vực đánh bắt thủy hải sản vùng biển Đông, so cự ly với các nước khác cũng thuận lợi trong việc giảm thời gian, chi phí đánh bắt xa bờ. Thứ hai là dịch vụ phục vụ cho nghề biển còn kém, cảng cá Gành Hào phía dưới thì tàu đậu không thoải mái (chật hẹp), trên bờ thì xe ra vào khó khăn, nhiều chi phí phát sinh trong vận chuyển, bão lũ thì tàu thuyền không đủ chỗ neo đậu. Thứ ba là nạn trộm cắp lưới, ngư cụ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân. Đó là chưa kể, mặc dù có 4 cửa biển lớn, nhưng tỉnh lại không có cảng biển nên không phát triển được ngành vận tải biển.

Từ những trưng cầu đó, bà Thoại đã đúc kết: trước mắt, phải đầu tư cho ngành đóng, sửa chữa tàu thuyền. Nhưng đầu tư như thế nào? Ai sẽ cùng làm trong khi bản thân không đủ vốn, thực tế nghề cũng chưa từng trải...

Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào đang góp phần tạo công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Ảnh: C.T

… Đến hiện thực hóa ý tưởng

Khởi nghiệp ở tuổi ngấp nghé 60, thế mà bà vẫn đặt mục tiêu là “hy sinh” ít nhất 5 năm không sinh lãi để gầy dựng cơ ngơi!

Đầu tiên là con đường chạy đôn chạy đáo để tìm khu đất thích hợp. Tháng 2/2018 bà được UBND tỉnh giao (với hình thức thuê) gần 7ha đất địa bàn ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào chuyên trách đóng tàu cá và dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá hình thành với vốn đầu tư khoảng 24 tỷ đồng do bà Hồng Thoại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Kể từ đó, ghe cá đánh bắt xa bờ ở khu vực lân cận và kể cả các tỉnh bạn đã có một nơi để “chăm sóc” thuyền tàu cho những chuyến ra khơi. Công ty được cấp phép là cơ sở sửa chữa, đóng tàu loại 1 với quy mô chiều dài 25m, ngang 6m, công suất 600 mã lực trở lại (đối với tàu cây) và xà lan có tải trọng dưới 600 tấn. Hiện công ty đã tạo công ăn việc làm cho gần 30 công nhân, bình quân mỗi tháng nhận sửa khoảng 20 chiếc tàu. Cái khó mà bà cùng công ty đang vừa làm vừa tháo gỡ chính là hạ tầng chưa hoàn thành, ảnh hưởng dòng xoáy sạt lở, vốn để xây dựng cầu tàu, bờ kè, đường nội bộ xuống tàu... Ít gì cũng cần huy động vốn đầu tư thêm 15 tỷ đồng.

Không dừng lại ở chuyện thuộc về tầm nhìn và sức lực... đàn ông, người phụ nữ này cũng quay về với bếp núc khi ôm ý tưởng về dòng nước mắm sạch được sản xuất tại xứ biển Gành Hào. Sản phẩm nước mắm Thiên Phú của Công ty Cổ phần Vũ - Võ Bạc Liêu ra mắt lô hàng đầu tiên vào ngày 7/1/2022. Và đến nay, Công ty đã chế biến sản lượng hơn 500.000 lít nước mắm với slogan “Muối tốt, cá sạch, mắm ngon”. Nước mắm cá cơm Thiên Phú là sản phẩm không chất bảo quản nên trong quá trình sử dụng không có hiện tượng kết tủa muối hoặc thay đổi màu sắc -  đó là lời cam kết của công ty, dưới sự điều hành của người đã từng nuôi ý tưởng sáng chế nước mắm ngon cho xứ sở từ năm... 14 tuổi! Với vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng của 45 cổ đông ở 12 tỉnh, thành phố, mô hình kinh tế dòng họ của Công ty đã làm nên một đặc sản cho xứ sở biển, muối trứ danh Bạc Liêu.

Làm gì để kinh tế biển tăng tốc, phát triển bền vững; làm gì để làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển theo tinh thần Nghị quyết 36 ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho không chỉ riêng Bạc Liêu mà với tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển. Và cũng là câu hỏi mà chính người phụ nữ đã ở tuổi 60 vẫn từng ngày miệt mài với những kế hoạch, ý tưởng, việc làm tưởng thuộc về... đàn ông.

Câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ mạnh mẽ này, theo bà chỉ là hạt cát. Một Gành Hào - khu kinh tế biển sầm uất đã có trong suy nghĩ tưởng là xa vời cách đây 17 năm của nguyên Tổng Biên tập Báo Bac Liêu - Nguyễn Minh Chánh, dường như đang tiệm cận hiện thực, từ những quyết tâm của địa phương và còn từ những ý tưởng, việc làm “hạt cát” này.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.