Văn hóa - Nghệ thuật
Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống Khmer trong giới trẻ
Dẫu chứa đựng nhiều sự độc đáo, song văn hóa truyền thống Khmer luôn có nguy cơ mai một bản sắc do được hình thành lâu đời, thiếu lực lượng kế thừa cùng thực trạng chạy theo những xu hướng văn hóa mới, nhất là trong giới trẻ. Do vậy, để những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng thăng hoa, lan tỏa trong đời sống hiện đại thì giải pháp cần làm là khơi dậy tình yêu, niềm tự hào để hình thành cho các bạn trẻ ý thức trách nhiệm, khát khao giữ gìn “hồn cốt” dân tộc.
Cụ già người Khmer dạy các bạn trẻ cách làm món bánh gừng.
NỖI LO VỀ NGUY CƠ MAI MỘT
Về với các địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Những lễ hội văn hóa, hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức rộn ràng, mang đậm sắc màu văn hóa Khmer. Tuy nhiên, đi liền với sự phấn khởi là nỗi lo về nguy cơ mai một đối với những nét văn hóa có từ lâu đời, nhất là biểu hiện không mặn mà của một bộ phận người trẻ với văn hóa truyền thống.
Tại các lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc, Chôl-chnăm-thmây…, dần dần có nhiều thanh niên không chuộng mặc trang phục truyền thống, thay vào đó là những bộ quần áo mang phong cách hiện đại. Một bạn trẻ cho rằng, việc mặc trang phục dân tộc trong dịp này là rất ý nghĩa nhưng cũng kéo theo sự bất tiện trong quá trình tham gia lễ hội, nhất là các hoạt động cần vận động. Ý kiến này không được số đông đồng tình vì trang phục truyền thống từ lâu đã trở thành biểu tượng về văn hóa, việc mặc nó không chỉ góp phần làm đẹp cho lễ hội mà còn thể hiện tình yêu, niềm tự hào với văn hóa Khmer.
Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, việc tìm đội ngũ kế thừa trong những năm gần đây cũng còn nhiều trăn trở. Số đội, nhóm văn nghệ được hình thành tại các chùa Khmer trong tỉnh vẫn ở mức rất khiêm tốn. Việc tập hợp, trao truyền kỹ năng trình diễn nghệ thuật dân gian cho thanh niên gặp nhiều khó khăn bởi cuộc sống của hầu hết các bạn còn thiếu thốn, do đó lo cho kinh tế gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật như: múa rô-băm, dù kê, nhạc ngũ âm… lại đòi hỏi cao về sự khéo léo, mất thời gian tập luyện nên không có nhiều bạn trẻ dành tâm sức để theo đuổi.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trình diễn tiết mục văn nghệ về lễ hội văn hóa Khmer trong ngày 20/11. Ảnh: H.T
TỪ YÊU ĐẾN GIỮ GÌN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, song việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống trong thanh niên Khmer luôn được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Đơn cử, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã xây dựng, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động gắn với bảo tồn văn hóa Khmer.
Ông Trần Văn Chúng - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ: “Với phần lớn học sinh là người Khmer, bên cạnh việc dạy những môn học theo quy định, trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: thi tái hiện các phong tục trong lễ hội truyền thống, tạo điều kiện cho các em tham gia trình diễn tại các chùa Khmer hoặc giao lưu ngoài tỉnh... nhằm tạo sân chơi bổ ích và giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trường cũng đang duy trì, nâng chất hoạt động Đội nhạc ngũ âm trong học sinh để phục vụ các dịp lễ của trường, cũng như xây dựng lớp kế thừa cho bộ môn nghệ thuật này”.
Tương tự, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã và đang nỗ lực làm “cầu nối” giúp khán giả trẻ thêm yêu văn hóa dân tộc thông qua hoạt động trình diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Thời gian gần đây, Đoàn xây dựng, biểu diễn nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa mang nét văn hóa truyền thống, vừa có yếu tố hiện đại để thu hút các bạn trẻ đến thưởng thức. Cụ thể, trong sáng tạo tác phẩm dù kê, Đoàn chú trọng xây dựng những kịch bản gần gũi với đời sống tuổi trẻ, nhất là khai thác các đề tài về tình yêu lứa đôi, khát vọng của thanh niên trong xây dựng phum sóc đẹp giàu.
Để văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được bảo tồn, phát huy giá trị theo thời gian thì cần nhiều giải pháp và sự nỗ lực. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các bạn trẻ từ chỗ hiểu biết, khơi dậy tình yêu rồi đến ra sức giữ gìn “hồn cốt” dân tộc.
HỮU THỌ - THANH MAI
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”
- Thiết kế Mộ công giáo đẹp