Văn hóa - Nghệ thuật
Khi sinh viên mê đờn ca tài tử
“Quê hương được mệnh danh là đất tài tử thì thật thiếu sót khi không thể tự ngân nga vài bản tài tử, vài câu vọng cổ”, với suy nghĩ ấy, nhiều sinh viên Trường đại học Bạc Liêu (ĐHBL) đã hăng hái tham gia lớp tập huấn đờn ca tài tử (ĐCTT) năm 2022 do trường phối hợp với Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Khơi lại niềm đam mê
Sau hơn 2 năm gián đoạn hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT của Trường ĐHBL khơi lại niềm đam mê bằng việc tuyển những sinh viên tài năng, có “máu lửa” với bộ môn nghệ thuật này. TS. Nguyễn Phước Hoàng - Chi hội trưởng Chi hội VH-NT Trường ĐHBL, cho biết: “CLB ĐCTT của trường được thành lập nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ để tạo nguồn nhân lực giao lưu với các đơn vị trong, ngoài tỉnh khi có cơ hội. Mục đích trên là để cùng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Để nâng chất CLB, cũng như khơi gợi sự yêu thích ĐCTT trong sinh viên, trường tổ chức lớp tập huấn cho các em được giao lưu, học hỏi thêm kiến thức về ĐCTT”. Tham gia lớp tập huấn, sinh viên được tập ca các bài bản như “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ từ nhịp 8 - 32 do Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu, hướng dẫn.
Em Phan Thị Mỹ Linh - sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, chia sẻ: “Em tham gia lớp học vì yêu thích ĐCTT. Trước giờ em chỉ tự học hỏi rồi tập ca nên khi biết trường mở lớp, em mạnh dạn đăng ký. Nhờ tham gia lớp học mà em ca đúng nhịp, xử lý ca từ mượt mà hơn. Sau lớp học, em dự định đăng ký tham gia CLB ĐCTT của trường để có nhiều cơ hội cùng các bạn giao lưu, học hỏi”.
Là thành viên CLB ĐCTT của trường, Võ Nhật Khánh - sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh với chất giọng ngọt ngào cũng đã tự tin xung phong ca mở đầu buổi học. Khi được hỏi về niềm đam mê với ĐCTT, Khánh hào hứng chia sẻ: “Em yêu thích ĐCTT từ nhỏ. Năm lớp 10 em dành nhiều thời gian tìm hiểu về bộ môn này và ngày càng yêu thích. Vào đại học, khi biết trường có CLB ĐCTT, em đã xin gia nhập và giờ là một trong những thành viên kỳ cựu của CLB. Đây cũng là lần thứ hai em tham gia lớp tập huấn”. Khánh còn bộc bạch thêm, em mong có nhiều cơ hội hơn nữa để tìm hiểu về ĐCTT, để không chỉ ca hay, mà còn hiểu rộng hơn về bộ môn nghệ thuật này.
Em Phan Thị Mỹ Linh thực hành ca vọng cổ. Ảnh: T.M
Trải nghiệm để tự hào
Cũng là học nhưng không mang nặng sự cạnh tranh của điểm số hay thành tích, mà điều mang lại là sự trải nghiệm, hiểu biết để tự hào về một loại hình nghệ thuật đậm bản sắc, mà Bạc Liêu được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” quan trọng. Hai tuần tham gia lớp học, mỗi sinh viên đều có cơ hội thể hiện niềm đam mê, những bạn ca hay thì mọi người khen ngợi, còn những bạn thể hiện chưa tốt vẫn được nhận được những tràng vỗ tay từ tất cả mọi người như một lời cổ vũ, động viên cho sự cố gắng.
Hơn 50 sinh viên tham gia lớp học, có thể chưa hát mượt mà từng điệu thức nhưng chí ít, mỗi người con của quê hương bản Dạ cổ hoài lang sẽ dung nạp thêm nhiều kiến thức để giữ niềm tự hào rằng mình xuất thân từ đất tài tử này. Tự hào để gìn giữ và phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật cho mai sau.
Thanh Mai
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”