Văn hóa - Nghệ thuật
Huyện Vĩnh Lợi: Đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020
Chia tách huyện từ năm 2005 đến nay, cơ sở vật chất của Vĩnh Lợi đang hoàn thiện từng ngày. Đặc biệt, từ những thế mạnh, tiềm năng về du lịch, Vĩnh Lợi đã quyết định ban hành Nghị quyết số 05 “Về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020”.
Vĩnh Lợi là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, 4 di tích lịch sử cấp tỉnh và nhiều điểm du lịch tâm linh… Việc đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanhh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân huyện nhà.
Hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn huyện là: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, cách Quốc lộ 1A 8km) và Tháp cổ Vĩnh Hưng - di chỉ văn hóa Óc eo (xã Vĩnh Hưng A, cách Tỉnh lộ khoảng 800m). 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là: Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi (xã Châu Thới), di tích Trận đánh Đồn Cầu Trâu năm 1962 (xã Châu Hưng A), chùa Giác Hoa (xã Châu Thới) và Đình Tân Long (xã Long Thạnh). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có các điểm sinh hoạt văn hóa, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, dân gian nổi tiếng khác như: chùa Châu Viên (xã Châu Thới), chùa Hưng Thiện (xã Hưng Hội) và một số chùa Khmer có lịch sử hàng trăm năm như chùa Ghositaram (chùa Cù Lao, xã Hưng Hội, cách TP. Bạc Liêu khoảng 6km), và có nhiều tuyến sông có tiềm năng phát triển du lịch như tuyến sinh thái hai bên bờ sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo… Tuy vẫn còn khiêm tốn trong khâu tạo ra sản phẩm đặc trưng thu hút du khách, nhưng Vĩnh Lợi đã tạo ra được thương hiệu cho một vài sản phẩm có thể bán cho du khách làm quà tặng khi đặt chân đến đây. Đó là gạo Tài Nguyên và mắm chua Vĩnh Hưng. Chưa kể còn nằm ở những món đặc sản mang đậm màu sắc dân tộc Khmer như bánh gừng, bánh ớt, bánh tằm lá mơ...; hay thưởng thức các món ăn đồng quê được chế biến từ cá đồng, tôm, năn, lục bình… Tiềm năng phát triển du lịch của Vĩnh Lợi còn ở hệ thống dịch vụ lưu trú đủ sức phục vụ du khách. Tính đến năm 2016, toàn huyện có 53 cơ sở lưu trú với tổng số trên 500, trong đó có 3 khách sạn: Dream Palace, Như Bình 2, Thái Hoàng 2.
Đông đảo du khách đến chùa Hưng Thiện tham quan, chiêm bái. Ảnh: N.V
Với những tiềm năng đó, Vĩnh Lợi đang quyết tâm khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại để có thể khai thác triệt để, nhằm bổ sung vào hệ thống tua tuyến du lịch của tỉnh. Điển hình như chùa Hưng Thiện hiện là địa điểm thu hút đông đảo khách thập phương, ước tính hàng tháng có khoảng 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Theo tin từ Phòng VH-TT huyện, dự án làm đường dẫn vào chùa Hưng Thiện đã bàn giao cho nhà thầu và sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, với điều kiện tự nhiên và văn hóa của huyện, loại hình du lịch mà Vĩnh Lợi có thể phát huy chính là du lịch sinh thái và văn hóa. Ông Tô Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, cho biết: “Tôi có đi tham quan mô hình du lịch sinh thái miệt vườn ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang để áp dụng phát triển du lịch của Vĩnh Hưng nói riêng, Vĩnh Lợi nói chung. Lợi thế của địa phương là giáp ranh với xã Vĩnh Hưng A có nhiều lung, nên nguồn thực phẩm từ đồng quê luôn dồi dào. Du khách qua đoạn Vĩnh Hưng sẽ có nhiều điểm dừng chân và thưởng thức các đặc sản: cá đồng, mắm chua… tại chỗ hoặc mua về làm quà”. Từ đây, các loại hình giải trí mang tính văn hóa truyền thống, đặc biệt là đờn ca tài tử phục vụ du lịch cũng sẽ có cơ hội phát huy tác dụng. Một tua du lịch đậm màu văn hóa miệt sông nước và đậm dấu ấn Vĩnh Lợi sẽ được thiết kế theo phong cách riêng của địa phương, hứa hẹn là một trong những điểm nhấn khi du khách dừng chân tại Bạc Liêu.
Theo Nghị quyết 05 thì Vĩnh Lợi phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 200.000 lượt khách du lịch. Trong đó, có 120.400 lượt khách ngoài tỉnh. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 347 tỷ đồng, chiếm gần 20% trong khu vực dịch vụ. Cũng theo tinh thần của nghị quyết, tua du lịch mang dấu ấn Vĩnh Lợi sẽ được thiết kế thông qua việc chủ động kết nối các tuyến du lịch của tỉnh và các công ty lữ hành. Việc này sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện ở một số điểm nổi bật như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đình Tân Long, chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện, Khu căn cứ Huyện ủy… gắn với phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ du khách. Tua du lịch thành phần như huyện Vĩnh Lợi hứa hẹn sẽ góp phần làm cho diện mạo du lịch Bạc Liêu trở nên phong phú hơn trong tương lai gần.
Ngọc Vũ
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8