Học người dân các tỉnh bạn về ý thức làm du lịch

Thứ Hai, 01/08/2016 | 16:52

Được thiên nhiên ưu ái với biển xanh, cát trắng, đồi núi điệp trùng; nhiều vũng, vịnh, gành, thung lũng… “đẹp như tranh”, dải đất miền Trung và Tây nguyên đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của biết bao tua, tuyến du lịch. Riêng với cánh làm báo như chúng tôi, sức hút nơi đây không chỉ vì phong cảnh hữu tình, mà còn bởi nét duyên của con người và ý thức của mỗi cá nhân trong việc chung tay phát triển du lịch.

Khai thác đi đôi với bảo tồn
Có lẽ là những người con của đồng bằng, quanh năm đã quen với bãi bồi sình lầy, những dòng sông ngầu đỏ vì phù sa nên khi đặt chân đến dải đất miền Trung ruột thịt, chúng tôi thật sự bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của những dãy đồi núi điệp trùng; những bãi biển trải dài tít tắp với cát trắng, biển xanh. Cảnh đẹp hiện ra trước mắt khiến ai cũng phải trầm trồ! Điều đáng nói là dù được đưa vào khai thác triệt để làm du lịch biển, nhưng những bãi biển đẹp ở nơi đây hầu như không có rác.
Đêm xuống trên những thành phố biển đẹp như tranh, ánh điện lung linh của thành phố sầm uất hắt xuống mặt nước rì rào sóng vỗ, lòng người bỗng chốc nhẹ tênh giữa không gian huyễn hoặc, mơ hồ. Biển Ninh Thuận, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên đều có những bãi tắm đẹp, những bờ kè ven biển được khai thác triệt để làm không gian ẩm thực cho du khách. Nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự, văn minh, không có nạn chèo kéo, hét giá với du khách. Mỗi điểm mua bán đều nêm yết giá cả cụ thể theo kiểu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Rác thải được thu gom thường xuyên tại các điểm du lịch, và tại mỗi điểm đều có những thùng rác mỹ quan để hạn chế tối đa tình trạng vứt rác bừa bãi của du khách. 
Các đồng nghiệp ở Báo Đà Nẵng, Bình Định còn cho biết, vấn đề vệ sinh môi trường được địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là bảo vệ cảnh quan môi trường biển. Bởi đây là sinh kế lâu dài của địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Ngoài việc đánh động ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong người dân, Đoàn Thanh niên và các tổ chức, đoàn thể thường xuyên làm vệ sinh bãi biển vào những dịp cuối tuần, kết hợp với tuyên truyền cho người dân, du khách ý thức bảo tồn môi trường biển.
Đoàn chúng tôi đến gành Đá Dĩa vào giữa trưa, đập vào mắt tôi là hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm ngồi trật tự bên lề đường vào gành với những thứ quà lưu niệm ngộ nghĩnh. Các bé cho biết, đang là mùa hè nên các em tranh thủ nhặt nhạnh những hòn đá đẹp ở gành, những cây thuốc nam quý, những vỏ ốc biển, san hô khô do gia đình đánh bắt được ngoài khơi đem bán cho du khách để phụ gia đình kiếm tiền chuẩn bị năm học mới. Các em còn là những “tình nguyện viên” tích cực, nhiệt tình cùng gia đình, người dân địa phương bảo vệ cảnh quan của gành Đá Dĩa. 

Vẻ đẹp của Gành Đá Dĩa (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đ.K.C

Ai cũng có thể là thuyết minh viên
Trong xu thế “người người, nhà nhà làm du lịch” thì ai ai cũng có thể trở thành thuyết minh viên thực thụ. Trong suốt chuyến hành trình, có 3 anh bạn đồng nghiệp làm tôi không thể “rời mắt” bởi lối giới thiệu các điểm đến hấp dẫn và cách dẫn chuyện, pha trò rất dễ thương. Qua lời giới thiệu, tôi cảm nhận được tình yêu, sức hấp dẫn của quê hương trong lòng các anh như thế nào! Kiến thức uyên bác, am tường về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực… các anh khiến chúng tôi thêm quý thêm yêu những vùng đất mới. Tháp tùng cùng chúng tôi trên hành trình đến các điểm tham quan, các anh là những thuyết minh viên, nhưng khi đến điểm tham quan các anh lại trở về bản ngã đúng chất phóng viên của mình.
Anh Quới (Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội Báo Phú Yên) cười hiền: “Không chỉ riêng anh, mà anh em phóng viên và cả bà con địa phương đều có thể trở thành thuyết minh viên hết! Chỉ cần tình yêu của mình với quê hương bản quán, một chút “duyên” thôi cũng đủ rồi! Quê mình đẹp thì phải nhớ, phải “khoe” để bạn bè gần xa được biết chứ!”.
Thành phố sương mù Đà Lạt càng huyễn hoặc với những huyền thoại, những câu chuyện tình lâm ly bi đát, những câu chuyên ma rùng rợn mang màu sắc liêu trai… qua lời kể của anh Danh (Phó phòng Xây dựng Đảng - Nội chính Báo Lâm Đồng). Anh bảo: “Lên Đà Lạt mà không đi chợ âm phủ, nghe chuyện ma thì xem như chưa đi Đà Lạt!”. Những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, dài bất tận không khác tiểu thuyết chương hồi làm cho đoạn đường đèo hiểm trở dường như ngắn lại. Càng thú vị hơn, khi anh gắn những câu chuyện ảo vào chuyện của mình - một chuyện tình lâm ly gắn với loài hoa mimosa…
Tôi chợt nghĩ, có lẽ khi nào mỗi người dân Bạc Liêu và cả cánh phóng viên như chúng tôi có thể trở thành những thuyết minh viên giống như các anh thì khi ấy du lịch Bạc Liêu sẽ mang một màu sắc mới!
Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.