Ký ức một thời

Hoài niệm những buổi trực trường…

Thứ Sáu, 30/07/2021 | 15:30

Nếu có viên ngọc ước, nó sẽ “ước” được quay trở lại với những buổi lao động cạo trúc, lột tôm; những đêm trực trường của lũ học trò THPT Bạc Liêu của 33 - 35 năm về trước.

Minh họa: B.T

Cạo trúc, là lớp phó lao động phát cho mỗi đứa 50 hay 60 cây trúc; mạnh đứa nào đứa ấy cạo, bằng dao, bằng miểng chai… miễn sao sạch hết lớp vỏ; rồi nộp lại lớp phó lao động. Những bó trúc lớn được nhà trường nhận về xếp dọc các hành lang lớp học, học trò hàng tuần cạo vỏ, rồi định kỳ nhà trường giao lại cho công ty xuất khẩu dưới Trà Kha. Những cây trúc ấy sẽ được làm thành cần câu, mành trúc - nghe đâu xuất khẩu đi một số nước. Những buổi ấy, thằng nào “nghía” nhỏ nào, dòm dễ biết lắm. Một là kiếm chuyện mon men ngồi gần… Hai, “cao thủ” hơn, là ngồi thiệt xa, không ngó ngàng gì, chỉ miệt mài cạo và cạo. Giữa buổi, bạn sẽ ngó trước liếc sau, mon men đem bó trúc đã cạo sạch “nạp tài” cho nhỏ í. “Khổ nhục kế” ấy hình như cũng có đốn rụng tim ai đó thì phải (!!!). Cạo trúc dạo ấy thậm chí còn được “thơ hóa” để đăng báo tường. Nói đâu xa, báo tường lớp 10C6 của nhà báo Việt Sử (Báo Bạc Liêu) hiện giờ, rằng: “Tên tôi Trần Lệ Trúc/ Tự là nàng trúc xanh/ Đầy gai góc lá cành/ Đất nuôi tôi khôn lớn/ Bạn đã biết công dụng/ Của họ trúc tôi chưa? Nếu chưa biết, xin thưa/ Trúc tôi rất có ích/ Làm những thứ bạn thích/ Này nhé: Để quất trâu/ Làm mành trúc, cần câu/ Những mặt hàng xuất khẩu/ Tôi được trường trung học/ Nhận về cho bạn làm/ Công việc rất giản đơn/ Nắm đầu tôi mà cạo...”. Vậy đó. Thơ với chả thẩn.

Nếu cạo trúc được xem như cơ-hội-về-mặt-tinh-thần, mượn bó trúc để “thay lời trái tim muốn nói”, thì mỗi lần cả lớp xuống dưới xí nghiệp chế biến thủy sản Trà Kha lột vỏ tôm lại là cơ-hội-về-mặt-vật-chất của bọn học trò. Lột tôm, đơn giản chỉ là… lột vỏ những con tôm, lột hết rổ tôm được giao thì nộp thành phẩm cho lớp phó lao động. Chỉ đơn giản vậy thì đúng là những học trò ngoan. Và rồi, đâu còn gì để kể (!!!). Đám học trò tinh quái nghĩ ra trò giấu những con tôm bự vào ống quần đã xăn lên mấy lớp; làm bộ đi ra bên ngoài rồi giấu ở bãi cỏ… Mấy đứa học trò nữ, có đứa cũng ủng hộ, làm cho nguồn nguyên liệu hóa ra lại dồi dào. Những tối ấy sẽ có một tiệc tôm trên nhà thằng Bảo ở Trà Văn. Rồi ca hát nghêu ngao. Rồi trải chiếu ngoài vườn nhà nó mà ngủ hết đêm ấy.

Những buổi lao động của lớp, của khối có cả trò nam, trò nữ. Còn những đêm trực trường lại là độc quyền của bọn học trò nam, theo lịch xoay vòng thì khoảng mỗi tháng một lần trực đêm trong trường. Gần 9 giờ tối, khi các lớp bổ túc ban đêm kết thúc buổi học, những đứa trực trường lục tục kéo đến. Thường là chọn lớp 12A1 làm “căn cứ đóng quân”. Nhiệm vụ trực là điểm danh (thường từ 7 - 10 đứa); đi “tuần tra” vài tua quanh khuôn viên trường; đúng 10 giờ đêm thì đi ngủ; sáng sớm thức dậy ra về, sửa soạn đi học. Còn ban đêm, trong ca trực, nếu “có gì” thì kịp thời báo cáo thầy chỉ huy đêm trực (thầy ở trong khu tập thể của trường). Nhưng hình như trong suốt “sự nghiệp trực trường” mấy năm cấp 3 của bọn nó, chẳng có sự việc gì phải báo cáo, ngoại trừ một lần tụi nó ngủ say, thằng Cường lớp phó học tập bị mất chiếc xe đạp.

Mỗi đêm trực trường ấy là cả một ngàn lẻ một chuyện. Này là những chuyện tiếu lâm ôm bụng cười lăn lóc; rồi quay qua bươi móc đủ mọi thói hư tật xấu của từng thằng mà chê bai, chòng ghẹo; rồi cáp đôi thằng này với nhỏ nọ; rồi đặt đủ thứ biệt danh cho đủ mọi đứa… Nhờ vậy, nhóm của bọn nó mới có tên “băng pít-nhít”, với những “Cường le”, “Hùng ốc con”, “Tín công chúa dầu dừa”, “Bảo Đài Loan”, “Toàn chín ghẻ”, “Lợi iều-buồn-lỷ”… ; lại còn “lấn sân” qua đặt biệt danh cho những bạn học nữ để cho nó “bình đẳng giới” nữa… Để rồi có danh tánh của “Lưu gia-pan”, “Phượng buồn, mèo giá”, “Kiều Ngân thước mốt”, “Hương triết gia lỗi lạc”, “Hồng con bác tiều phu”… Trêu ghẹo nhau chán thì xúm lại to nhỏ thì thầm. Vài thằng lớn tuổi sẽ “phổ biến” kinh nghiệm “tình trường” hoặc dài dòng kể lể những “thiên tình sử” mà không biết trong ấy bao nhiêu phần trăm là “thực tế thực tiễn” và bao nhiêu là “tưởng tượng như tưởng voi” (!!!). Ấy thế nhưng những thằng khờ như nó thì chăm chú nghe say nghe sưa.

Thời khắc mong chờ nhất của đêm trực rồi cũng đến, là khi nhà nhà, người người đã say trong giấc điệp. Ấy là lúc leo lên hái trộm dừa ven cái đìa của nhà trường; đi ăn trộm cà rem từ những xe kem của mấy chú trong xóm Huế gửi nhờ trong một căn phòng cặp bên thư viện của nhà trường; rồi nấu chè, nấu cơm, nấu… đủ thứ gì có thể nghĩ ra, thậm chí đi ngắt trộm bạc hà về xào… Lần nọ mượn nhầm cái xoong lủng nhà Kiều Ngân, hì hục nấu hoài không được, bọn nó úp cái xoong xuống gõ bàn gõ xoong hò hát thâu đêm… Nhớ có lần kéo nhau lang thang ngoài bờ sông, rồi thấy cái xuồng của ai cột đó, tháo dây chèo qua bên tu muối Phường 2. Thằng Sơn “nhí” mặc cái áo “ba-đờ-xuy” của ba nó, rộng thùng thình, làm mấy anh dân phòng ngỡ rằng nó đi… ăn trộm, bắt nó ngồi trong chốt dân phòng, nhốt đó mấy tiếng đồng hồ. Lại có lần, đêm trực trường, sáng ra lớp nó đại diện cho toàn trường đi tham dự giải đua thuyền của thị xã, nhờ có thằng Đời “cô lái đò” bẻ lái (nhà làm nghề chèo đò ngang), nên lớp nó đoạt giải Nhất; được thầy cô khen tuy làm nhiệm vụ trực trường mà mấy em vẫn giành được giải cao nhất về cho trường. “Chiến tích trực trường” của lớp nó cứ theo đó mà “lẫy lừng” thêm lên (!!!).

Khái niệm “trực trường”, “lao động” của học trò bây giờ chắc cũng khác xa ngày ấy lắm. Còn với bọn nó, chỉ với khái niệm ấy thôi, đã là từ khóa mở ra ký ức một thời không thể nào quên.

Nguyễn Văn Lành

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.