Văn hóa - Nghệ thuật
Hiu hiu gió bấc
1. Thế là trời lại bắt đầu trở bấc. Thứ gió bấc đầu mùa cứ làm con người ta nao nao điều gì khó tả. Nó vừa như ngỡ ngàng, bâng khuâng lại vừa như bùi ngùi, luyến tiếc. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình là kẻ mộng du ngay giữa ban ngày bởi những buồn nhớ mông lung mà chẳng thành hình…
Sáng nay, cô bạn đồng nghiệp bất chợt hỏi chiều nay anh có bận? Thực ra đó chỉ là câu hỏi bình thường, nhưng với tôi lại là một kỷ niệm, một kỷ niệm khó quên nhất là đúng cái lúc gió bấc hiu hiu này…
Ngày xưa. Vâng, ngày xưa, cứ mỗi lần câu hỏi ấy của em đặt ra, thì bất chấp mưa phùn, bất chấp cái rét căm căm của trời Hà Nội, bất chấp nội quy khắt khe của giảng đường…, tôi và em - cô bé Bắc kỳ đương nhiên thành hai kẻ trốn học. Dù ngoài mấy công viên quen thuộc, gần như chúng tôi không có điểm đích. Mà mục đích của chúng tôi lúc này đâu gì khác ngoài việc được gần nhau… Vì vậy, 36 phố phường Hà Nội không nơi nào không có bước chân “lãng tử” của chúng tôi ngoại trừ con hẻm dẫn vào nhà em, bởi bố em vẫn nghĩ, tôi là thằng rủ rê em trốn học. Nhưng thực ra cái sáng kiến lang thang 36 phố phường do chính em chủ mưu. Tôi chỉ là “kẻ đồng lõa nhiệt tình”… Em bảo: Phải đi nhiều để tôi hiểu hơn về đất Thăng Long và để tôi nhớ hoài mùa hoa sữa. Nhưng cái chính là để tôi đừng quên điều gì, mắt em không giấu được... Vậy mà lúc nào em cũng cãi: “Em ghét anh”, còn tôi, những lúc như vậy tôi luôn “kỷ niệm” cho em mấy chén nước… chè (trà) hoặc một que kem bẻ nửa, dĩ nhiên bằng những đồng tiền dành dụm của... em. Về phần mình, tôi cũng không quên tự thưởng mấy ngao thuốc… Lào cho “bỏ ghét” (thời sinh viên bao cấp, bao nhiêu đó cũng đã là sang). Em bảo: Trong cái hăng hắc, khê nồng của mùi khói thuốc có chứa đựng cả quốc hồn, quốc túy. Câu triết lý được bắt nguồn từ sự thông cảm cho cảnh khổ của sinh viên… Rồi một thời sinh viên của chúng tôi cũng đến hồi kết thúc. Ga Hàng Cỏ lại một lần chứng kiến những cuộc tiễn đưa. Sân ga lại nghẹn ngào, bịn rịn. Những giọt nước mắt lại thi nhau lăn dài. Tôi thành gã say để cố nén nỗi buồn. Còn em, không biết nghĩ gì mà chôn chân như pho tượng; không nói không rằng, chỉ đến khi con tàu bắt đầu chuyển bánh, em mới bóp chặt tay tôi nói trong tiếng nấc “Anh hứa đi…”. Tôi chưa kịp hứa với em điều gì, bởi tôi nghĩ rằng, chính em đã hiểu: Em là phần đời của tôi còn gửi lại…
Nhưng cái khốn nạn cho em là từ bấy đến giờ, tôi vẫn chưa đi tìm cái phần đời ấy!
2. Mẹ tôi là người xót ruột nhất trong chuyện vợ con của tôi, bà vẫn hay nhắc khéo: Hôm qua, mẹ gặp thằng K. (bạn tôi), con của nó bây giờ đã vào lớp 7. Hoặc, hôm nọ, mẹ thấy thằng nhỏ (không biết ở đâu đó), mẹ cưng quá… Nhưng chưa khi nào bà ép tôi lấy vợ. Bà thường nói với lối xóm, bây giờ không còn là lúc cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó, thời buổi văn minh rồi. Hôn nhân cũng có luật pháp…
Nói thì nói vậy, nhưng mới mấy ngày trước đây thôi, tôi bắt gặp bà chăm chú nhìn một đám rước dâu đi ngang qua nhà. Phía sau cái nhìn ấy là cả một sự ước ao. Rồi bà thở dài… Tôi hiểu tiếng thở dài của một người mẹ. Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi khi có gió bấc về, bà đều thở dài như vậy vì tôi. Có điều bà giấu kín. Chỉ một chi tiết ấy thôi cũng đủ làm tôi thương mẹ đến nghẹn ngào… Con người ta chỉ biết sống với quá khứ, cũng là cái tội có ai đã nói như vậy. Tôi biết, tôi có lỗi với mẹ (có người mẹ nào không muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được thấy con mình có nơi có chốn)? Nói theo cách của người xưa thì quả tội của tôi lớn lắm - tội không lo nối dõi tông đường, không có ý thức gầy dựng nòi giống… Nhưng tôi biết nói với mẹ thế nào, khi mà quá khứ hãy còn đang sống với thời gian?
Tôi còn nhớ, mười năm trước đây; bạn tôi cũng như cô dâu, chú rể hôm nào. Và họ hạnh phúc bên nhau ai cũng mắc… thèm. Dù bấy giờ cuộc sống nghèo xác nghèo xơ, vậy mà họ vẫn dìu nhau đi qua một thời bao cấp một cách đàng hoàng. Còn bây giờ, khi không còn thiếu thứ gì ở họ, thì họ dắt nhau ra xỉ vả trước tòa. Nghe đâu ông chồng vừa mới cưới một cô còn rất trẻ. Còn bà vợ bấu áo một ông Việt kiều ở tận bên Úc. Chỉ tội cho đứa bé, thui thủi một mình theo ngoại dưới quê… Đúng là: “Giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ” như người ta vẫn nói. Tôi xin phép được thêm 2 chữ “bỏ chồng” cho công bằng mỗi phía…
3. Trên chuyến đò chiều về nông thôn cách đây chưa lâu, tôi cứ chú ý đến một bé trai độ năm, sáu tuổi. Mặt mũi cũng không đến nỗi nào, trên người nó mặc một chiếc áo mới nguyên, phía trong còn có một cái đã nhàu nát (làm áo lót), nó đang mút ngon lành miếng cà rem còn lại trong sự thèm thuồng… Nhưng nếu chỉ có vậy thôi cũng không có gì đáng nói. Ăn hết miếng cà rem, nó kề tai nói nhỏ với mẹ điều gì. Dường như người mẹ không thỏa mãn được yêu cầu nên nó giãy nảy. Đến đây thì tôi biết… mẹ nó chở nó đi sắm Tết. Nhưng do eo hẹp tiền nong nên nó phải thiếu cái quần. Nó thì đòi cho bằng được… Mẹ nó giải thích: “Người ta nói, ba ngày Xuân đi khoe áo mới, ai nói khoe quần?…”. Nó nín lặng một giây như để “thẩm định” lời của mẹ. Và rồi, nó lại giãy nảy nhiều hơn… Mẹ nó tát cho nó một bạt tay đau điếng, nó khóc ré lên trong tức tưởi... Mẹ nó cũng khóc theo… Thì ra, nó là sản phẩm từ cuộc vui của người cha họ Sở của nó. Sau khi biết nó tượng hình, hắn đã cao chạy xa bay… Ngày nó ra đời, mẹ nó trăm ngàn lần nhục nhã. Làng xóm chê bai, dòng tộc xa lánh. Nhưng mẹ nó quyết, nó phải tồn tại…
Chị (mẹ nó) còn kể nhiều về những tình cảnh bi thương của đời mình khi có nó - những tình cảnh tưởng như không có trong đời… Nhưng tôi không muốn kể ra nữa làm gì e sẽ mất vui trong ba ngày Tết.
Con người ta dù thông minh, khôn ngoan hơn loài vật, vẫn chưa thoát ra cái vòng luẩn quẩn của tạo hóa. Yêu nhau - lấy nhau - rồi bỏ nhau, rồi lại… Biết vậy nhưng không ít kẻ làm liều. Phải chăng đó lại là quy luật của muôn đời?
Mỗi năm đến mùa gió bấc cũng là lúc mỗi người sắp chồng thêm một tuổi trong đời. Tất nhiên, tôi cũng không ngoài quy luật khắc nghiệt đó. Và… lần đầu tiên tôi thấy mình “biết lạnh” - dù đó chỉ là ngọn bấc hiu hiu.
Nguyễn Duy Hoàng
Cà Mau - Bạc Liêu, tháng 12/1996
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh