Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở: Đìu hiu như chợ chiều

Thứ Sáu, 30/06/2017 | 16:41

Ghé thăm ngẫu nhiên vài thư viện hay phòng đọc sách ở các địa phương trong tỉnh, chúng tôi đều thấy cảnh vắng tanh! Có chăng, bạn đọc quy tụ đông về thư viện vào những dịp đặc biệt, còn ngày thường thì đếm trên đầu ngón tay. Vậy, làm sao để khắc phục tình trạng “đìu hiu như chợ chiều” như hiện nay?! 

Bây giờ là đang trong kỳ nghỉ hè, còn khoảng hơn 1 tháng nữa học sinh mới bước vào năm học mới, song sách giải trí ở các thư viện huyện vẫn nằm đìu hiu trên kệ! Bạn đọc thiếu nhi là đối tượng đến thư viện chiếm tỷ lệ nhiều nhất, nhưng nhiều thư viện tuyến cơ sở cho biết, đối tượng này hiện vẫn ít đến đọc hoặc mượn sách về nhà. 
Thực tế, hệ thống thư viện cơ sở, thậm chí Thư viện tỉnh, đều “chấp nhận” lượng bạn đọc đến theo kiểu nhỏ giọt. Nguyên nhân được đưa ra đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là do công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Việc mỗi học sinh được cha mẹ trang bị cho chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng là điều không quá khó. Ebook (sách điện tử) phát triển hay chỉ cần bỏ chút thời gian tra mạng Internet thì mọi thông tin, kiến thức hay các chương trình giải trí đều đáp ứng nhu cầu của mọi người. Chính vì thế, hệ thống thư viện đang chịu áp lực và thách thức rất lớn trong câu chuyện “đi tìm độc giả”. Một cán bộ thư viện tỉnh thừa nhận: “Ngay trung tâm tỉnh, Thư viện tỉnh còn ít người đến đọc sách thì nói chi đến tuyến huyện, xã. Lượng khách đến không đều, có ngày khá đông nhưng cũng có ngày không có ai”. Và nhiều thư viện huyện hay phòng đọc sách cơ sở dường như cũng… quen dần với chuyện ít độc giả đến đọc sách.

Tình trạng vắng vẻ ở Thư viện huyện Hòa Bình. Ảnh: N.V

Một khó khăn khác ảnh hưởng đến lượng bạn đọc đến thư viện chính là nguồn sách. Định kỳ hàng năm, thư viện huyện nhận sách luân chuyển từ tuyến tỉnh vài ngàn đầu sách. Thế nhưng, cái khó ở đây là sách luân chuyển không phù hợp nhu cầu bạn đọc, nên dẫn đến việc “vừa thừa - vừa thiếu”. Thừa sách nghiên cứu, sách ở những thể loại người dân địa phương không quan tâm, nhưng lại thiếu những đầu sách người dân cần. Ông Nguyễn Văn Đằng, Giám đốc Thư viện huyện Phước Long, cho biết: “Thư viện huyện có trên 30 loại sách, nhưng thể loại giải trí ít. 6 tháng luân chuyển/lần, mỗi lần khoảng 1.000 đầu sách về 12 ấp và 3 bưu điện văn hóa xã nhưng vẫn không thu hút được độc giả. Một phần người dân ít quan tâm đến chuyện đọc, một phần do sách thì có nhưng không đúng nhu cầu, nên ảnh hưởng không nhỏ đến lượng bạn đọc đến thư viện”. 
Bà Đào Hồng Vân, Phó Giám đốc Thư viện huyện Hòa Bình, thừa nhận: “Một ngày chỉ có vài lượt bạn đọc đến, đông lắm cũng hơn 10 người là tính luôn ở phòng truy cập Internet. Khoảng 5 năm về trước, bạn đọc đến có khi 100 lượt/ngày”. Ông Nguyễn Văn Trận, Bí thư Đảng ủy phường Hộ Phòng (TX Giá Rai) cũng chia sẻ: “5 khóm văn hóa đều có tủ sách cơ sở nhưng sách rất ít và cũng ít người đến đọc. Chúng tôi bố trí một bộ phận giúp người dân đến in tài liệu cần thiết để tham khảo, chứ không bố trí phòng riêng cho người dân đọc sách được”. Rõ ràng, cứ thực hiện luân chuyển sách định kỳ mà không quan tâm đến chất lượng của hoạt động này, cũng không phải là ý hay. Hơn nữa, khi người dân nói chung, bạn đọc nói riêng không mặn mà đến việc đọc truyền thống thì câu chuyện luân chuyển sách sẽ là vô nghĩa. 
Vài năm trở lại đây, chương trình mục tiêu quốc gia đã cắt giảm nguồn hỗ trợ sách cho các thư viện, cộng thêm kinh phí của các đơn vị hạn chế, nên việc bổ sung sách khá ít. Sách ở mỗi đơn vị tính bằng đơn vị chục ngàn, nhưng đầu sách lại quá cũ cũng là lý do chính khiến người đọc không mặn mà với các thư viện. Trước thực trạng trên, để vực dậy văn hóa đọc, rất cần các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức nhiều hơn và hiệu quả hơn các hoạt động liên quan đến sách, chẳng hạn như: đẩy mạnh tuyên truyền, mở ra các chương trình phục vụ sách tại chỗ; triển lãm lưu động kết hợp các trò chơi, hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu sách đến mọi người…
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.