Hãy gieo mầm yêu thương cho trẻ

Thứ Tư, 28/06/2017 | 16:02

Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2017), Công đoàn Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức tọa đàm với chủ đề “Gieo mầm yêu thương cho con trẻ”. Đó cũng chính là thông điệp mà những bậc làm cha mẹ, những người có trách nhiệm với gia đình muốn chia sẻ…
Trước thực trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay có biểu hiện vô cảm, thờ ơ với cuộc sống, bàng quan với những chuyện xảy ra xung quanh mình… thì chủ đề “Gieo mầm yêu thương cho con trẻ” như một động thái nhắc nhở, “thức tỉnh” phụ huynh. Biểu hiện vô cảm, thờ ơ thường được nhìn nhận qua những hành động mà hiện nay giới trẻ cho là rất bình thường như: đứng nhìn bạn bị đánh hội đồng, hoặc thậm chí là cổ động, quay clip, hay dửng dưng khi thấy người khác bị tai nạn… Tiến sĩ Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, cho rằng: “Phải có tình yêu thương, trước hết là biết yêu thương thì đứa trẻ mới có thể mở lòng mình ra để đón nhận tình cảm yêu thương từ người khác. Từ đó mới có thể trải lòng mình ra chia sẻ, cảm nhận được những tình cảm xung quanh của người thân và đau đớn cùng những đắng cay, bất hạnh, mất mát của đồng loại. Nếu biết yêu thương thì con người mới có thể sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm mình đau khổ…”. Và để gieo mầm yêu thương cho con trẻ, theo ông, trước hết cha mẹ, người thân trong gia đình phải là những tấm gương về sự yêu thương, hiếu thảo, quan tâm chăm sóc lẫn nhau… Chính những hành động “yêu thương” hàng ngày đó sẽ tác động vào tâm trí của trẻ.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Gieo mầm yêu thương cho con trẻ” của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: C.K

Muốn giáo dục cho trẻ biết yêu thương, phải giáo dục ngay từ nhỏ, càng sớm càng tốt. Trước hết là phải giáo dục lễ nghĩa cho con trẻ từ những hành động, hành vi nhỏ nhất như: biết kính trọng, lễ phép với những người xung quanh, nhất là những người lớn tuổi, biết sẻ chia, cảm thông… lâu dần, cái lễ, cái nghĩa đơn giản ấy sẽ thành tính cách, thành cách hành xử hàng ngày với mọi người xung quanh… 
Hãy để con trẻ “ra khỏi” vòng tay của gia đình, cho trẻ cảm nhận cuộc sống xung quanh và hướng dẫn trẻ phải biết làm gì trong những tình huống xảy ra. Nói về vấn đề này, tiến sĩ Trần Công Chánh cho rằng, có những gia đình do quá yêu thương, chìu chuộng khiến con trẻ không tự “lớn” được. Lâu dần đã biến đứa trẻ thành người ỷ lại, cho mình là “trung tâm của vũ trụ”, mọi người xung quanh phải có nhiệm vụ phục vụ mình…
Những hành động nhỏ hàng ngày như: nhà có đám tang, có người thân bị bệnh… nhưng cha mẹ vẫn cứ cho con đi học với lý do vì “tương lai” của con trẻ mà không tạo cơ hội cho con trẻ thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với những mất mát, những đau đớn của những người xung quanh. Hoặc trong giờ tan học, cha mẹ nắm tay con lôi đi khi con trẻ vừa có ý định giúp bạn bị ngã… những hành động tưởng như “vô tình”, bình thường ấy cộng với thái độ “kẻ cả” của cha mẹ sẽ biến trẻ thành những người xa lạ trong mắt mọi người xung quanh. Và, trẻ cũng sẽ có những hành động để “đáp trả” lại những ánh mắt đó…
Vì thế, gieo mầm yêu thương cho con trẻ chưa bao giờ là muộn nếu những bậc làm cha mẹ biết quan tâm đến con mình. Hãy là một người bạn, một người hướng dẫn, hỗ trợ, luôn xuất hiện kịp thời để uốn nắn những khuyết điểm của trẻ hơn là sử dụng quyền của người lớn với những lời trách mắng, đòn roi…
Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Và, gieo mầm yêu thương cho con trẻ là một trong những “món quà tuyệt vời nhất” mà gia đình dành cho trẻ trong những bước chân đầu đời, tập tễnh bước vào cuộc sống. 
Trúc Ly

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.