Hẩm hiu… đời thợ hồ!

Thứ Sáu, 02/06/2017 | 16:49

Chưa ai có thể thống kê, trong xã hội hiện có bao nhiêu thợ hồ. Người ta chỉ thấy, ở đâu có công trình xây dựng là ở đó có đủ mặt thợ xây. Họ như những cánh chim không mỏi, cứ đi làm đẹp cho đời, cho xã hội, nhưng khi về với cuộc sống chính mình thì hẩm hiu, đơn độc. 


CỰC NHƯ… THỢ HỒ 
Còn nhớ cách đây chưa lâu, đại biểu HĐND TP. HCM - Phan Thị Hồng Xuân từng dẫn lại lời so sánh từ một hội thảo, rằng giáo dục mầm non là một trong những nghề nặng nhọc nhất. Một người nuôi dạy trẻ làm công việc nặng nhọc bằng một thợ hồ. TP. HCM đã bổ sung hàng chục chế độ, chính sách, đầu tư cả trăm tỷ đồng mỗi năm để thu hút nhưng vẫn không thể tuyển đủ giáo viên mầm non. Nặng nhọc như giáo viên mầm non còn có chế độ, chính sách đãi ngộ, riêng thợ hồ thì… chưa bao giờ!    
Không chỉ vất vả, cực nhọc và hiểm nguy rình rập, nghề thợ hồ còn được người ta thường gọi là nghề “bốn không”: không trình độ, không bảo hiểm, không bảo hộ lao động và không ổn định. Dù ở bất cứ nơi đâu, mặc cho nắng cháy mưa dầm, những người thợ hồ vẫn miệt mài trên những công trường xây dựng chấp nhận rủi ro để kiếm sống. 
Ông Ba Hiệp (65 tuổi, phường 8, TP. Bạc Liêu) sống bằng nghề thợ hồ từ thời bao cấp tới nay. Ông đúc kết: “Cực lắm, ngày thì phơi nắng như bị nướng, lúc thì dầm mưa, đêm về đau nhức cả mình không ngủ được”. 
Thợ hồ là nghề không cần vốn liếng, cũng không ai đòi hỏi bằng cấp hay được đào tạo qua trường lớp nào, mà chỉ cần sức khỏe tốt là được. Bước đầu vào nghề thì làm cu li cho thợ chính. Sau một thời gian thì tập tành cầm bay xây gạch, trét tường… Nghề dạy nghề rồi từng bước được công nhận thợ. Do công việc không ổn định, nên nghề thợ hồ không bị ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu với người lao động. Đôi khi chỉ cần thỏa thuận bằng miệng. Cũng bởi không có hợp đồng giấy trắng mực đen nên thợ hồ không được thụ hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm hay trang bị bảo hộ lao động. Do đó lại càng không có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm dân sự mỗi khi tai nạn xảy ra.   
Bốn mươi lăm tuổi, anh Trần Thiện Tín, (phường 1, TP. Bạc Liêu) có 27 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng. Nhà nghèo, anh Tín bỏ học giữa chừng rồi rẽ ngang đeo bám cái nghề nặng nhọc trong xã hội. Từ chỗ chỉ là cu li mà giờ đây anh lên quản lý hàng chục tay thợ. Anh cho biết, những lúc cao điểm xây dựng, công ty của anh có gần 100 thợ chính, phụ hồ nhưng chỉ 4 người được ký hợp đồng lao động. Anh vui vì có chế độ các thứ, nhưng thấy chạnh lòng vì còn quá nhiều đồng nghiệp phải lao động trong môi trường nặng nhọc, thiếu vệ sinh mà không có một chế độ đặc thù. Do không có bảo hiểm y tế nên khi bệnh tật, họ chỉ cần có vài viên thuốc cảm, một chai dầu gió là an ủi lòng. Anh Tín chia sẻ, ai cũng biết thợ hồ là nghề nặng nhọc và đầy hiểm họa, nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ đành phải chấp nhận. Nhẹ thì trật gân, trầy khớp, nặng thì gãy tay, gãy chân, thậm chí có người tử nạn vì nghề.
Tìm hiểu chế độ tiền lương thợ hồ, chúng tôi được biết, thu nhập người thợ đã được cải thiện theo biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Nếu như cách đây vài năm, tiền công phụ hồ trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày, thợ chính chưa đầy 100.000 đồng/ngày thì nay công chính từ 250.000 - 270.000 đồng/ngày, công phụ từ 150.000 - 180.000 đồng/ngày. Cứ tưởng ngày công như thế là nhiều, nhưng qua tìm hiểu không ai làm được mỗi tháng đủ 30 ngày để có 5 - 7 triệu đồng về nuôi vợ con. Tính trung bình, họ chỉ làm chừng 20 ngày trong tháng. Nhiều lúc không có việc hoặc vào mùa mưa phải nghỉ dài ngày, vì thế đời sống của họ quay về khốn khó.     

Đông đảo thợ hồ thi công công trình cầu Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

 

HẨM HIU CUỘC SỐNG
Đóng góp cho quê hương Bạc Liêu, đội ngũ thợ hồ đã nhiều lần chung tay cùng với tỉnh nhà làm nên những thành tựu lớn, nâng tầm diện mạo đô thị TP. Bạc Liêu để được Chính phủ công nhận đô thị loại II. Cũng khó ai có thể quên những đại công trình đã từng thu hút hàng trăm thợ hồ như: quần thể các công trình của Quảng trường Hùng Vương, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014. Đội ngũ công nhân xây dựng khi đó không có gì tự hào hơn khi đón nhận những bó hoa tươi thắm, món quà khích lệ tinh thần từ phía lãnh đạo trao tặng để rồi ngày đêm hăng hái thi công cho kịp tiến độ đưa vào phục vụ.    
Vui cùng niềm vui của tỉnh, nhưng ít ai hiểu đằng sau những “đường đi bay đẹp” của thợ hồ là cuộc sống đầy thăng trầm, lặng lẽ. Về với gia đình, quan hệ xã hội, họ cảm thấy mình chưa bằng một hội viên nông dân. Chính vì quá nhiều cái “không” nên ít có thợ hồ nào làm giàu bằng chính cái nghề của mình. Ông Trần Văn Chơn (phường 8, TP. Bạc Liêu) tâm sự: “Làm nghề mấy chục năm trời, cuối cùng có được cái nhà đàng hoàng để ở lại nhờ vào nghề… làm nông!”.  
Tất cả những thợ hồ đều không được tổ chức nào đứng ra bảo lãnh để họ có thể tiếp cận vốn vay tín chấp từ các tổ chức tín dụng khi muốn phát triển kinh tế gia đình. Và họ cũng đều có chung cảm nghĩ: “Mình chưa bao giờ được bất kỳ tổ chức nào hỗ trợ dự án sản xuất, kinh doanh hay chăn nuôi, trồng trọt để gia đình có thêm thu nhập”. Cũng bởi không được nằm vào tổ chức ngành nghề nào nên quanh năm gần như không có sân chơi giải trí dành riêng cho cái nghề ấy. Và cũng chẳng có một chỗ dựa nào để họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của mình.
Gặp chúng tôi trong Tháng hành động quốc gia an toàn, vệ sinh lao động năm 2017, ông Hồ Văn Triều, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết đơn vị đang tiến hành khảo sát điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, tình hình áp dụng chế độ, chính sách… dành cho người lao động trong tỉnh. Tuy nhiên, những chuyến đi đó rất tiếc không ai khảo sát điều điện lao động của thợ hồ.          
Ông Hồ Văn Triều thừa nhận tới thời điểm này, những người làm nghề thợ hồ vẫn chưa đứng vào tổ chức công đoàn hay hiệp hội ngành nghề nào cả, dù trên thực tế họ chiếm số đông trong xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự bất lợi trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Bởi cái nghề sở hữu quá nhiều cái không nên cứ năm nào cũng vậy, chương trình Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu cũng có giúp đỡ trường hợp thợ hồ chẳng may bị tai nạn lao động nằm liệt tại chỗ. Hầu hết những trường hợp đó đều là thợ hồ làm trụ cột gia đình. Họ cho biết, nằm thui thủi điều trị, được ông chủ thầu tới thăm một lần rồi hỗ trợ vài triệu đồng là xong.
Tốc độ đô thị hóa của Bạc Liêu ngày càng nhanh đồng nghĩa với những công trường xây dựng mọc lên ngày càng nhiều. Và ở nơi ấy luôn thấy thấm đẫm mồ hôi của những người thợ xây dựng. Nhưng chưa ai dám chắc rằng, cuộc đời người thợ hồ sẽ được quan tâm tốt hơn cùng sự phát triển của xã hội để mong có được tương lai tươi sáng.
Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.