Văn hóa - Nghệ thuật
Giữ gìn những nét đẹp văn hóa của Tết Chôl Chnăm Thmây
Còn vài ngày nữa là đến lễ mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer. Khắp các phum sóc ở Bạc Liêu, bà con đang nô nức sửa sang lại nhà cửa, may quần áo đẹp, chuẩn bị các nguyên vật liệu cho các món ăn truyền thống và góp tiền của, công sức để trang hoàng cảnh quan các ngôi chùa thật đẹp mắt trong dịp lễ trọng đại này. Tuy nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vẫn được bà con Khmer gìn giữ, nhưng theo thời gian một số tục lệ nhạt nhòa dần khiến nhiều người không khỏi băn khoăn...
Nét đẹp văn hóa của lễ mừng năm mới
Tôi có một anh bạn rất thân là người dân tộc Khmer ở ấp Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Mỗi dịp lễ, tết truyền thống là anh lại rủ chúng tôi nhập cuộc cùng cộng đồng. Riết thành quen, chúng tôi gần như không bỏ lỡ bất kỳ lễ hội lớn nhỏ nào. Trong tất cả các lễ tết lớn nhỏ ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với Chôl Chnăm Thmây. Có lần, tôi hỏi anh tại sao tết cổ truyền này lại rơi vào tháng 4 dương lịch? Anh lý giải: Tháng 4 là thời điểm người Khmer Nam bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã gặt hái xong, bà con thảnh thơi, nghỉ dưỡng sức sau những ngày lao động vất vả. Đây cũng là lúc giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, thời tiết tương đối dễ chịu, nên bà con chọn thời điểm này cho sự khởi đầu một năm mới tốt đẹp!
Nhạc ngũ âm và hát múa Dù kê luôn gắn liền với Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Ảnh: Đ.K.C
Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, người Hoa, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer cũng có ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng tuổi mới với hy vọng nhiều may mắn, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết 3 ngày tết của bà con mang tên gọi, ý nghĩa khác nhau và ẩn chứa trong đó nhiều tập tục đẹp, giàu giá trị nhân văn trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Ngày thứ nhất “Maha Songkran” là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Ngày thứ hai “Virak Wanabat” là ngày mọi người làm từ thiện cho những người bất hạnh. Ngày thứ ba “Tngay Leang Saka” là ngày mọi người dùng nước thơm tắm Phật, trẻ nhỏ rảy nước thơm lên người các bậc trưởng bối với ý nghĩa mang đến sự trường thọ, hạnh phúc. Đây cũng là ngày quan trọng để trả nợ, trả lễ, báo hiếu ông bà, tổ tiên, ơn Phật…
Tục đắp núi cát, dâng cơm cho các sư, dâng lễ vật cúng bái cầu siêu tổ tiên, ông bà quá cố; thăm hỏi, mừng tuổi lẫn nhau, gói bánh, chuẩn bị các món ăn truyền thống cho 3 ngày tết; trai gái diện những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ hòa mình vào các điệu múa Lâm thôn dưới tiếng nhạc ngũ âm réo rắt; trẻ nhỏ quây quần bên các cụ già để nghe kể truyện cổ tích, thần thoại… vẫn còn được nhiều phum sóc trân trọng, giữ gìn như một phần không thể tách rời cùng lễ mừng năm mới.
Không chỉ vậy, Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để con cháu, họ hàng đi làm ăn xa trở về thăm quê hương, bản quán rồi quây quần cùng nhau bên bữa cơm đoàn tụ gia đình và chia sẻ cho nhau nỗi nhọc nhằn trên bước đường mưu sinh xa xứ…
Chung sức giữ gìn
Vậy đó, mỗi lần tham gia lễ hội đặc biệt này, điều mà tôi quan tâm nhất vẫn là những nét đẹp văn hóa, những tập tục nhân văn lâu đời được cộng đồng và thế hệ trẻ gìn giữ ra sao? Nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều tập tục đẹp theo thời gian đang dần mai một. Các chàng trai, cô gái trẻ không còn hào hứng với những bộ trang phục truyền thống, mà thay vào đó là những trang phục tân thời; góp vui lễ hội bằng những điệu nhảy pha màu sắc hiện đại...
Chị Kim Dung (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Thời trẻ, đám con gái chúng tôi rất háo hức với mỗi dịp lễ mừng năm mới. Vì chúng tôi được mặc quần áo đẹp, trang điểm lộng lẫy, nồng nhiệt trong những điệu múa của dân tộc và ra sức thi thố cùng chúng bạn về độ khéo léo, đảm đang qua việc chuẩn bị những món ăn, bánh trái truyền thống. Đây là cơ hội để các bà mẹ chồng chọn cho mình những cô dâu đảm đang. Vậy mà, buồn thay các cô gái trẻ ngày nay không còn thiết tha mấy với việc nội trợ, tất cả các thứ bánh trái đều được họ mua ở chợ để khỏi nhọc công. Nhiều bạn trẻ còn đứng “bên lề” lễ hội của dân tộc mình vì mải mê với những thú vui khác…”.
Trước sự nhạt nhòa của một số tục lệ trong Tết Chôl Chnăm Thmây, trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đang đè nặng lên vai thế hệ trẻ!
Thư Các
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam