Giữ gìn nhạc ngũ âm​ sống mãi với thời gian

Thứ Hai, 22/05/2023 | 15:55

Nhắc đến nhạc ngũ âm là nhắc đến một loại hình âm nhạc hòa tấu đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ, thường hiện diện trong các nghi lễ tôn giáo và đời sống văn hóa của người dân. Có lúc, hoạt động nhạc ngũ âm ở Bạc Liêu trầm lắng, thiếu tính kế thừa nên tiềm ẩn nguy cơ mai một. Thế nhưng, với sự chung tay nỗ lực từ nhiều phía đã giúp cho những thanh âm của nhạc ngũ âm được giữ gìn, vang vọng qua nhiều thế hệ ở phum sóc.

Các nghệ nhân trẻ trình diễn tại Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022.

NHIỀU THĂNG TRẦM

Một dàn nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào Khmer được hợp thành từ 5 bộ nhạc cụ gồm: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi loại nhạc cụ có âm sắc riêng, khi hòa tấu với nhau tạo thành “bản giao hưởng” độc đáo, từ sâu lắng, nhẹ nhàng đến cao vút, hùng hồn, rộn ràng. Cũng giống như những âm thanh đó, hoạt động nhạc ngũ âm trong đồng bào Khmer có khi thăng, khi trầm.

Trước đây, từng có thời điểm các chùa Khmer trong tỉnh đều sở hữu đội trình diễn ngũ âm. Một số xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đội ngũ âm còn được hình thành ở ấp. Mặc dù số lượng thành viên, kỹ thuật trình diễn của các đội không đồng đều, nhưng phong trào, hoạt động nhạc ngũ âm diễn ra khá sôi nổi. Nhất là trong mùa lễ hội, khắp các chùa Khmer đều trỗi lên tiếng trống Sam-phô, tiếng đàn Rô-niết-ek, bộ cồng Pét-Kuông-Thôn… kết hợp với các điệu múa, trang phục truyền thống để tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa rộn ràng, rực rỡ sắc màu.

Dẫu vậy, hoạt động trình diễn nhạc ngũ âm trong đồng bào Khmer có dấu hiệu “đuối sức”, một số chùa không còn duy trì được đội nhạc. Nguyên nhân chủ yếu là các nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ngày càng lớn tuổi, thiếu kinh phí hoạt động và mua nhạc cụ. Trong khi đó, việc phát triển lực lượng kế thừa lại có không ít trở ngại do đa phần thanh niên Khmer có hoàn cảnh khó khăn phải ưu tiên lo cho cuộc sống nên ít quan tâm, dành công sức theo học. Đặc biệt là ở Bạc Liêu rất ít tổ chức các lớp dạy bài bản về nhạc ngũ âm, từ đó chất lượng trình diễn của ngũ âm chưa đáp ứng với kỳ vọng.

Đội nhạc ngũ âm chùa Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình) trình diễn phục vụ lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Ảnh: H.T

ĐỂ GIAI ĐIỆU NHẠC NGŨ ÂM VANG VỌNG

Chắc hẳn, những ai đến với Ngày hội Văn hóa - Du lịch năm 2022 và Lễ hội Dạ cổ hoài lang trên đất Bạc Liêu vẫn còn đọng lại ấn tượng đẹp với những âm thanh, điệu múa đặc sắc trong Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. Sự thành công của Liên hoan không chỉ là chất lượng các tiết mục trình diễn, sự lan tỏa giá trị văn hóa Khmer truyền thống mà còn thấy được sự kế thừa từ lớp nghệ nhân chơi bộ môn nghệ thuật này. Ngoài các nghệ nhân ở tuổi xế chiều, trong đó người lớn nhất đã ngoài 70 tuổi thì còn có sự góp mặt của những nghệ nhân đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên đến từ đội các chùa: Đìa Chuối (huyện Hòa Bình), Dì Quán (huyện Hồng Dân). Mặc dù kỹ thuật trình diễn còn hạn chế, song các bạn được đánh giá là lứa nghệ nhân trẻ tài năng để giữ “lửa” cho âm nhạc truyền thống.    

Ngoài tổ chức các cuộc thi hay hỗ trợ kinh phí mua mới dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer, việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc ngũ âm được tỉnh khuyến khích thực hiện trong môi trường học đường. Nhiều năm qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động đội nhạc ngũ âm với thành viên chủ lực là các em học sinh. Mặc dù, thành viên của đội thường xuyên xáo trộn do hằng năm các em khối lớp 12 ra trường nhưng nhờ làm tốt việc chăm bồi nên phong trào nhạc ngũ âm của trường vẫn giữ được chất lượng, số lượng. Đội thường xuyên trình diễn trong các ngày lễ 20/11, lễ khai giảng và các hoạt động văn hóa mừng Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây do trường tổ chức.

Thượng tọa Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Cái Giá chót (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), chia sẻ: “Nhạc ngũ âm là linh hồn trong bản sắc văn hóa Khmer nên luôn được phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng hôm nay và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Sự độc đáo và sức sống của nhạc ngũ âm đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc nói riêng, văn hóa của đồng bào Khmer nói chung”.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.