Văn hóa - Nghệ thuật
Giỗ tổ Hùng Vương trong tâm thức người Bạc Liêu
Từ rất lâu, Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt. Ngày mà muôn triệu trái tim con Lạc, cháu Hồng hòa chung nhịp đập, triệu triệu đôi mắt cùng hướng về một phương: đất Tổ vua Hùng. Hướng về nguồn cội, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức dựng nước của các vua Hùng và giữ nước của các bậc tiền nhân chống giặc ngoại xâm là ý nghĩa nhân văn của ngày Quốc giỗ mùng 10/3 âm lịch.
Trường THPT Chuyên Bạc Liêu khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: Đ.K.C
Thiêng liêng Quốc giỗ
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Mẹ Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra trăm con và nghĩa của từ “đồng bào” cũng phát xuất từ ý nghĩa chung một bào thai ấy. Thế rồi, 50 người con theo cha Lạc Long Quân lên non, 50 người con theo mẹ Âu Cơ xuống biển xây dựng cơ đồ, mở rộng bờ cõi để đất Việt mang hình hài, dáng dấp hôm nay. Và truyền thuyết ấy cũng bao hàm rằng 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S này đều là nòi giống con Lạc, cháu Hồng, là anh em chung một bào thai, nguồn cội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm niệm về cội nguồn dân tộc. Người thường nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, giữ gìn giang sơn gấm vóc, trân trọng từng tấc đất ông cha, phấn đấu đưa nước ta sánh ngang với các cường quốc năm châu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”.
Với ý nghĩa ấy, Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội thiêng liêng của hồn thiêng sông núi, ngày để hậu thế khắc ghi lời tiền nhân về kế sách an dân, bảo an sơn hà xã tắc. Và qua đó, nhắc nhở cháu con, những trái tim Việt với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ý nghĩa những hoạt động tri ân
Đã thành thông lệ, năm nào Trường THPT Chuyên Bạc Liêu cũng long trọng tổ chức Quốc giỗ thật trang nghiêm, trọng thể. Sau các nghi thức đánh trống khai hội, dâng hương tỏ lòng biết ơn các vua Hùng, lễ Giỗ tổ Hùng Vương còn giúp thế hệ trẻ ôn lại truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, công lao của các vua Hùng, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay. Song song với phần lễ, còn có hoạt động đố vui, giải đáp nhanh những câu hỏi xoay quanh câu chuyện về các vua Hùng, lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc… giúp học sinh tự hào hơn về những trang sử vàng dựng nước và giữ nước.
Không riêng gì Trường THPT Chuyên Bạc Liêu mà nhiều đơn vị trường học, đoàn thể, cơ quan, địa phương… trên địa bàn tỉnh cũng thành kính hướng về Quốc giỗ với nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa, thiết thực. Nhiều cán bộ, công chức, học sinh - sinh viên, người dân Bạc Liêu còn tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ để hành hương về Đất Tổ hòa cùng dòng người trẩy hội Đền Hùng.
Đến đây, người viết xin mượn lời thầy Huỳnh Quang Lâm, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu thay lời kết: “Theo thời gian, giá trị vật chất có thể hao mòn, nhưng giá trị tinh thần thì ngày một gia tăng, viên mãn. Những giá trị văn hóa tinh thần từ thời đại Hùng Vương, qua thời gian, năm tháng ngày càng thiêng liêng, cao cả; ngày một lung linh, tỏa sáng. Có được điều này là do tiền bối tổ tiên ra sức gây dựng, con cháu thành kính bồi đắp qua bao đời. Bởi vậy, bổn phận của mỗi người dân Việt hôm nay là phải luôn học tập và kế thừa, phát huy nét đẹp văn hóa Việt vươn tầm khu vực và thế giới…”.
THƯ CÁC
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam