Văn hóa - Nghệ thuật
Giảng dạy đờn ca tài tử: Kết hợp truyền thống và “giáo án”
Những năm gần đây, việc giảng dạy âm nhạc truyền thống cho thế hệ kế thừa luôn được quan tâm nhiều hơn nhằm gìn giữ một trong những vốn quý của văn hóa dân tộc. Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc giảng dạy, trao truyền loại hình này được chú trọng hơn, tuy nhiên hình thức giảng dạy vẫn chưa có sự thống nhất.
Lễ bế giảng lớp dạy đờn ca tài tử cho sinh viên Trường đại học Bạc Liêu, các trường cao đẳng chuyên nghiệp trong tỉnh năm 2014. Ảnh: H.T
Khi nói về sự cấp thiết của việc giảng dạy bộ môn nghệ thuật ĐCTT, trong một hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tại Bạc Liêu, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó khoa sau đại học, Trường đại học Văn hóa TP. HCM, đã đưa ra nhận định rất đáng lưu tâm: “Việc giáo dục âm nhạc truyền thống dân tộc, nhất là đối với dòng nhạc tài tử - cải lương, cần sớm thống nhất về cách nghĩ, cách làm của những nhà quản lý và chuyên môn, trước khi quá muộn. Bởi vì, trong lúc các vấn đề liên quan đến giáo dục âm nhạc truyền thống dân tộc cứ tiếp tục bàn luận thì sự giao lưu, hội nhập vẫn tác động từng giờ, từng ngày, ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm, nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Và những lớp nhạc sĩ, nghệ nhân tài hoa tuổi đời ngày một cao mà vẫn chưa có điều kiện để trao truyền lại ngón đờn hay, kỹ thuật ca điêu luyện cho thế hệ kế thừa…”.
Dạy ĐCTT như thế nào, ở trường lớp với giáo án, giáo trình hẳn hoi, chương trình khung được đưa ra cụ thể với hình thức học tập trung; hay truyền nghề cho lớp kế thừa bằng hình thức truyền thống bấy lâu nay, nghĩa là người muốn học tự tìm thầy đờn ca mà mình mến mộ rồi học nghề, học ngón, hoặc những người nghệ nhân truyền nghề cho những người yêu thích ĐCTT tại các buổi sinh hoạt ĐCTT, thậm chí là tại nhà, biết bao nhiêu chỉ bấy nhiêu, truyền đạt theo kinh nghiệm?! Theo kinh nghiệm của những người có tâm huyết với việc giảng dạy, trao truyền nghệ thuật ĐCTT thì rất cần sự kết hợp giữa cách truyền nghề truyền thống và dạy trên giáo án, tức là, dạy ĐCTT ở trường học vẫn là cách làm hay, nhưng phải kết hợp cho được 2 đối tượng là giáo viên và nghệ nhân. Giáo viên có chuyên môn về phương pháp sư phạm sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức đơn giản, dễ hiểu về bài bản, nhạc cụ. Nghệ nhân là người thạo về nghề sẽ thao tác trên nhạc cụ, giúp các học viên thực hành bài học.
Nghệ sĩ Trần Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu, người trực tiếp biên soạn giáo trình giảng dạy nghệ thuật ĐCTT - cải lương Nam bộ và trực tiếp đứng lớp giảng dạy về ĐCTT tại trường, đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình: “Muốn bảo tồn và phát triển ĐCTT Nam bộ, phải thực hiện song song 2 loại hình đào tạo, vì ở mỗi loại hình đều có mặt hay và hạn chế. Dạy ĐCTT tập trung tại trường sẽ đào tạo bài bản, số lượng học viên đông nhưng hiệu quả thì không phải học viên nào học xong cũng thành tài. Ngược lại, học kiểu truyền nghề tại nhà, học theo thầy đờn thì chuyên môn sẽ sâu hơn nhưng thiếu phương pháp sư phạm, không bài bản rõ ràng và số lượng học viên cũng hạn chế. Đưa ĐCTT vào giảng dạy trong trường học thì đòi hỏi sự kết hợp giữa ngành Văn hóa và ngành Giáo dục để có một chương trình khung cụ thể, giáo trình cụ thể, đào tạo giáo viên có bằng cấp chuyên môn, đủ phương tiện giảng dạy và yếu tố quan trọng là niềm đam mê, thiếu “lửa” thì sẽ không tạo được cảm hứng nơi học viên để người trao truyền và người được trao truyền cho và nhận, hiểu biết để yêu hơn loại hình nghệ thuật này!”.
Được biết, từ khi bắt đầu đưa ĐCTT vào giảng dạy (năm 2006) đến nay, Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu đã mở gần 20 lớp, bình quân mỗi lớp có 20 học viên; các đơn vị khác như Trung tâm Văn hóa tỉnh, trung tâm văn hóa các huyện, thị xã, thành phố cũng mở nhiều lớp giảng dạy về ĐCTT với nhiều đối tượng dự học. Nhìn vào thực tế, hiệu quả giảng dạy ĐCTT ở các lớp này mới thấy rằng, đa số chỉ mang ý nghĩa giúp người trẻ hôm nay hiểu biết cơ bản về nghệ thuật ĐCTT. Khó “đãi cát” ở đây để “tìm vàng” kế thừa phong trào ĐCTT ở địa phương. Điều đó đòi hỏi cần có sự tính toán thật hợp lý và thật kịp thời để việc giảng dạy ĐCTT không chỉ dừng lại ở chuyện học để… biết!
Sự tính toán này rất cần được nhận diện rõ ở hai khía cạnh: giáo dục và đào tạo! Giáo dục mang tính chất rộng rãi hơn, có thể thực hành ngay ở các cấp học phổ thông và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mục đích là giúp thế hệ trẻ hiểu biết và trân trọng di sản văn hóa mà người đi trước để lại. Còn việc đào tạo lại mang tính chuyên sâu thuộc chức năng của các trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc các “lò” đào tạo của các nghệ nhân, mục đích là tạo được đội ngũ “có nghề” để biểu diễn và gìn giữ, tiếp tục truyền nghề, ngón bài bản cho lớp sau. Có giáo dục phải có đào tạo để việc giảng dạy đạt được mục tiêu học để hiểu biết, đồng thời phải bồi dưỡng kịp thời những “hạt nhân” tài năng kế thừa cho ĐCTT trong tương lai.
Nhật Quỳnh
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8