Gia đình - Thành trì bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc

Thứ Hai, 27/06/2022 | 15:30

Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục - đào tạo, lối sống trong gia đình; gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc; xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội lành mạnh… là những thông điệp của Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay.

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” luôn là chủ đề chính của các hội thi ẩm thực được nhiều đơn vị tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: C.T

Từ tổ ấm yêu thương...

“Cô đơn - đi về nhà, thất bại - đi về nhà, mệt mỏi - đi về nhà, chênh vênh - đi về nhà. Hạnh phúc nhất chính là có nhà để về”. Tự nghiệm lại bản thân mình, chúng ta sẽ thấy đó gần như là một chân lý! Tất nhiên, ngôi nhà ấy phải được đắp xây bằng tình thương yêu, sự chở che, quan tâm lẫn nhau thì mới đúng nghĩa là tổ ấm để mỗi người quay về sau những cô đơn, thất bại, mệt mỏi, chênh vênh...

Có thể, những bữa tiệc linh đình với bè bạn rất vui, những lời chúc tụng bên ngoài đầy mật ngọt khi ta thành công... Nhưng khi thất bại hoặc lúc cảm thấy cô đơn nhất, cần được giãi bày thì lại khó tìm được cho mình một người để tin cậy, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu. Chính lúc này đây, gia đình là nơi dang rộng vòng tay đón ta về. Vì ở tổ ấm này, mọi người yêu thương nhau vô điều kiện, không tính toán thiệt hơn, kể cả khi ta bế tắc, khốn cùng hay lầm đường lạc lối cần sự thứ tha. “Hạnh phúc là khi về nhà, mẹ vẫn chờ, ba dang rộng cửa. Những lúc như thế, đời chẳng còn gì quan trọng nữa”, “Một triệu like” - bản rap gây bão của Đen Vâu với hơn 90 triệu lượt xem cũng nhắc nhở giới trẻ và tất cả mọi người điều này.

Với nhịp sống tất bật hiện nay, những bữa cơm gia đình - phút giây sum họp đầm ấm với đủ mặt thành viên đã trở nên hiếm hoi đối với rất nhiều gia đình. Đó cũng là thách thức trong việc gìn giữ lửa ấm, tình thương yêu, sự quan tâm lẫn nhau của cha mẹ dành cho con cái, vợ chồng dành cho nhau mà bữa cơm gia đình là nơi thể hiện đầy đủ, như cái không gian quây quần bên nhau “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Gia đình là tổ ấm của mỗi con người. Ảnh minh họa: Internet

...Đến thành trì lưu giữ giá trị văn hóa

Nền nếp, ứng xử trong gia đình truyền thống Việt Nam chính là những giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam mà chính mỗi gia đình là thành trì bảo vệ, là nơi bảo tồn, gìn giữ vững chắc nhất.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ tầm quan trọng của gia đình: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Ở thời đại nào thì gia đình vẫn là tế bào của xã hội, do đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Những nền nếp, ứng xử dành cho nhau như lòng hiếu thảo, sự kính trên nhường dưới, lòng thủy chung, tình đoàn kết, hòa thuận giữa anh em với nhau trong nhà... đã cấu thành những khuôn mẫu đạo đức và trở thành sức đề kháng, sức mạnh để mỗi người vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, những giá trị tốt đẹp này chính là nền móng để đắp xây nền tảng văn hóa xã hội. Những giá trị đạo đức, kỷ cương ấy cũng góp phần hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho mỗi con người để trở thành công dân tốt. Cho nên, xây một gia đình chuẩn mực chính là góp hạt nhân đảm bảo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Gia đình là môi trường giáo dục, trường học đầu tiên của mỗi đứa trẻ - công dân tương lai của đất nước. “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, câu nói của người xưa không chỉ được hiểu theo luật nhân quả của đạo Phật mà còn nên được hiểu: cha mẹ hiền lành chính là tấm gương sáng để con mình học làm người hiền lành, tử tế. Chính trong mỗi gia đình, cha mẹ là người thầy - cô mẫu mực đầu đời. Với những quy tắc, chuẩn mực đẹp sẽ hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp, gầy dựng những công dân ưu tú cho đất nước mai sau. Ngược lại, nếu chứng kiến sự bất bình đẳng giữa cha mẹ với nhau, hoặc cha mẹ chỉ biết áp đặt trong dạy dỗ con cái mà không lắng nghe, thấu hiểu thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ nhỏ. Gia đình phải và cần là nơi có tình yêu của mẹ, sự bao dung của cha, sự hiếu thảo của con và sự bình đẳng, yêu thương, chia sẻ của các thành viên trong gia đình... Tựu trung lại, đó chính là văn hóa gia đình, nền móng, thành trì để dựng xây và bảo vệ những giá trị văn hóa cộng đồng.

Gần đây, thỉnh thoảng lại có những câu chuyện đau lòng xoay quanh áp lực học hành, thi cử. Tuy nhiên, phóng một tầm nhìn rộng để công bằng thì cha mẹ vẫn luôn là điểm tựa giúp con cái vượt qua những áp lực đầu đời đó. Xúc động thay đó là hình ảnh người cha nắm tay con dắt vào phòng thi, người mẹ ngồi trên xe vẫy tay tạm biệt con với lời nhắn nhủ “tự tin con nhé”, những tờ giấy ghi rõ từng nét chữ “dù kết quả của con như thế nào thì con vẫn thành công trong mắt cha mẹ”, hay sự tri ân cha mẹ bằng tấm áo cử nhân mà con gái tự khoác lên cho cha trong ngày tốt nghiệp...

Gia đình, từ là tổ ấm đến thành trì bảo vệ những giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc, luôn đầy những câu chuyện xúc động như thế! Để mỗi chúng ta tin chắc rằng đây là nơi quay về  nương tựa tin cậy nhất!

Cẩm Thúy

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 72/2001 về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.