Văn hóa - Nghệ thuật
Gặp những người văn công thời chiến…
Cái thời mà vừa biểu diễn trên sân khấu, vừa canh máy bay. Nghe tiếng “tạch… tạch…” là cả diễn viên và khán giả đều “chém vè” xuống giao thông hào để núp. Vậy mà, máy bay đi là lại leo lên diễn tiếp… Đến bây giờ, ký ức ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí những người văn công từng trải qua chiến tranh ác liệt. Và lấp lánh trong miền nhớ ấy, tôi còn thấy tình yêu mãnh liệt đối với nghiệp ca diễn, dẫu sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc!
Tiếng hát át tiếng bom
Nhớ về những tháng năm ấy, chú Ba Quang (soạn giả Thanh Quang) vẫn luôn thấy tự hào. Cuối năm 1959, chú Ba Quang bắt đầu “cuộc đời cách mạng” của mình và gắn liền sự nghiệp sáng tác cùng với những trận đánh, trận càn của giặc. Mỗi sự kiện lịch sử đều ghi dấu trong từng tác phẩm của chú. Nhớ nhất là chập cải lương hài chú viết về tên Thiếu úy Xíu bị đơn vị 1005 của huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) chặn đánh đến nỗi bỏ chạy tuột quần, đám con nít ngồi xem vỗ tay rân trời... Chưa bao giờ những tháng năm ấy phai nhòa trong tiềm thức của người trưởng đoàn văn công năm nào.
Chú Năm Nghĩa kể lại kỷ niệm lúc còn sinh hoạt trong Đoàn văn công thời chiến. Ảnh: N.V
Cuộc sống thời chiến vừa đói khát về vật chất, vừa thiếu thốn phương tiện giải trí. Chính “tiếng hát át tiếng bom” của những người văn công đã vực dậy tinh thần chiến đấu, cổ vũ lao động, sản xuất để hậu phương và tiền phương lúc nào cũng đoàn kết một lòng. Diễn hát trong trận địa, hát ở dưới mà máy bay bắn phá trên đầu. Khi nào ác liệt quá thì diễn viên và khán giả mới nhảy xuống giao thông hào ẩn nấp. Đợi hết đạn bom rồi leo lên sân khấu đốt đèn diễn tiếp. “Nhìn xuống sân khấu, thấy không một người nào bỏ về, bà con dám ở lại coi thì sao tụi tôi không dám diễn. Vậy là có khi diễn đến 3 - 4 giờ sáng mới nghỉ”, chú Năm Nghĩa (Trưởng đoàn văn công xã Hưng Hội) nhớ lại.
Thiêng liêng tình đồng chí
Là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, những diễn viên văn công không chỉ chắc tay súng, mà còn vững “tay đàn” để làm cho cuộc sống bớt bi thương, gian khổ. Quay cuộn phim ký ức một cách chậm rãi, những diễn viên văn công thời ấy, giờ đây cũng đã gần chạm ngõ 80, nhưng vẫn thấy lòng mình như trẻ lại. Anh em trong đoàn văn công chưa bao giờ đặt nặng lợi ích cá nhân lên hàng đầu, mà ở đó, chỉ có tình đồng đội, đồng chí với nhau. Cực khổ không thể tả xiết, nhưng niềm hạnh phúc cũng không thể diễn hết bằng lời. Chú Năm Nghĩa tâm sự: “Cuộc sống thời bình đủ đầy vật chất, con người có nhiều điều kiện để vui chơi, giải trí, nhưng tôi thấy cái tình đồng chí, đồng bào hồi đó sao mà thiêng liêng lắm, chứ không như bây giờ…”.
Thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu mới đổi được cuộc sống thanh bình hôm nay, họ vẫn luôn dặn thế hệ trẻ rằng, không gì quý bằng chữ tình, sống bằng cái tình đồng đội với nhau thì phải giúp đỡ nhau từ vật chất đến tinh thần. Chén cơm chia đôi và ngay cả lời ca, nốt nhạc cũng truyền dạy để cùng nhau tiến bộ... Truyền thống tốt đẹp ấy rất cần sự tiếp nối và phát huy của thế hệ trẻ hôm nay!
Ngọc Trân
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025