Duyên nợ với… Báo Bạc Liêu

Thứ Hai, 19/06/2017 | 17:31

Với Báo Bạc Liêu, gần 20 năm tôi biết đến bây giờ, tôi thấy mình có một chữ “duyên”. Cái duyên khiến tôi tình cờ biết đến, tình cờ vào nghề rồi gắn bó. Và chắc không chỉ duyên, mà còn có… “nợ”, nợ để mình không thể chọn một con đường nào khác hơn để lao động và cống hiến, nợ để tôi mãi gắn cuộc đời mình với Báo Bạc Liêu dù thăng, dù trầm…
1. Gần 20 năm trước, hồi mới học THPT, tôi biết đến Báo Bạc Liêu bởi nhà báo Lê Việt Minh (trước khi trở thành nhà báo, cô Minh là giáo viên của tôi, dạy Trường THPT Chuyên Bạc Liêu). Cô nguyên là Phó tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, là một đàn chị trong làng Báo Bạc Liêu, người thường xuyên chiếm những giải thưởng cao giải báo chí truyền thống, cũng là người thầy đầu tiên trong nghề báo của tôi. Lúc ấy, trong vai trò là nhà báo, cô đã đến với trường học cũ của mình để tuyển chọn “người mẫu” chụp những bức ảnh đẹp để làm bìa báo. Trong khi những người bạn xinh đẹp của tôi đang thích thú được trở thành người mẫu ảnh tuổi ô mai, thì tôi - một nữ sinh khiêm tốn về ngoại hình - đã thông qua cô để biết đến Báo Bạc Liêu, với tư cách là độc giả. Báo Bạc Liêu lúc đó mới ra riêng từ báo Minh Hải nên lượng bài vở cũng còn hạn chế, không nhiều chuyên trang, chuyên mục như bây giờ. Tôi đã chú ý đến những bài viết về tuổi học trò trên trang giáo dục. Tôi tìm thấy trên đó những bài viết hay của những cây bút chuyên nghiệp cũng như những bài cộng tác rất học trò, những vần thơ hồn nhiên, câu chuyện cười dí dỏm… Vì điều kiện học hành, nên thỉnh thoảng tôi mới được đọc báo Bạc Liêu, nhưng cũng kể từ đó, tôi nuôi mơ ước ngày nào đó mình sẽ có bài viết trên đó...

Một chuyến đi công tác của tác giả (giữa). Ảnh: M.Đ

2. Nhờ sự rủ rê của một người bạn, tôi tham gia thi tuyển và được Đài PT-TH Bạc Liêu cử đi học lớp đại học báo chí. Trong thời gian học, vì ham viết và thú thật là muốn… kiếm tiền, tôi đã cộng tác với Báo Bạc Liêu. Những bài viết đầu tay được đăng báo như “Lấy chống xứ Đài”, “Cử nhân “quay cóp”, “Yêu sớm và những hệ lụy”, “Trang thiết bị y tế cơ sở - thiếu và yếu”… đã khiến tôi càng viết càng hăng say! Tôi bắt đầu công việc sưu tầm báo Bạc Liêu, vừa để đón đọc bài mình vừa để tìm đọc những bài báo của các anh chị nhà báo để học kinh nghiệm. Tôi bắt đầu viết báo từ năm thứ ba đại học, thì đến năm học thứ tư tôi được nhà báo Lê Việt Minh tìm gặp. Một lần nữa, chính cô Minh đã cho tôi một cơ duyên để đến với Báo Bạc Liêu, với tư cách là cộng tác viên và sau đó không lâu là phóng viên chính thức của tờ báo. Chị mời tôi cộng tác với báo kèm một lời “hẹn ngầm” sẽ nhận tôi vào làm ở Báo Bạc Liêu khi tốt nghiệp ra trường. Tôi không có ý “phụ” nơi đã nuôi mình ăn học, nhưng cũng không thể bỏ những ân tình với Báo Bạc Liêu, nơi đã “cưu mang” những bài báo đầu tay của tôi, và những người thầy đầu tiên ở tờ báo đó đã dìu dắt để một sinh viên báo chí dần học làm nghề báo thực tế… Tôi chọn  Báo Bạc Liêu, và tất nhiên, phải nói lời tạm biệt với nơi đã tuyển tôi đi học. Đó cũng là một món nợ nghề tôi áy náy đến bây giờ…
 
3. Báo Bạc Liêu đã đưa tôi từ một người thích viết trở thành một người làm báo chuyên nghiệp. Nhưng chuyên nghiệp ở đây nghĩa là dấn thân vào nghề, chứ không phải chuyên nghiệp là hoàn hảo! Những bài báo bị phê bình trong cách thể hiện hoặc thậm chí đôi khi là sai sót, tôi coi đó là kinh nghiệm để mình tôi luyện hơn nữa, vài ba bài báo viết “có hồn” được Ban biên tập khen tặng, tôi coi đó là “liều thuốc tinh thần” để mình hăng hái thêm. Báo Bạc Liêu cho tôi những chuyến đi để tôi biết hòa nhập với cuộc sống người dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và từ đó tôi biết gửi gắm những thông điệp có giá trị hơn vào những bài báo, thay vì chỉ viết phản ánh chung chung như những bài viết đầu tay. Báo Bạc Liêu cho tôi cái duyên được gặp gỡ những thành phần khác nhau trong xã hội và những con người khác nhau, từ người lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến một người khốn khó, bần cùng cần sự dang tay trợ giúp của mọi người. Báo Bạc Liêu cho tôi những chuyến công tác, những va chạm thực tế để bản thân trải nghiệm với nghề, và với đời…
“Duyên - nợ” thường đi song hành với nhau. Ngoài chữ duyên, với Báo Bạc Liêu tôi thấy mình còn một chữ nợ. Nợ thì nhiều lắm, nợ những bài viết hay để đóng góp phần mình cho sự phát triển tờ báo, để tờ báo hấp dẫn, thu hút độc giả ngày một nhiều hơn. Nợ những hiến kế, đề xuất để trang báo mình phụ trách ngày một “mềm” hơn mà vẫn chuyển tải những nhiệm vụ chính trị cần thiết, là tiếng nói dễ đi vào lòng dân. Nợ ân tình với những anh em đồng nghiệp đã thương yêu, dìu dắt, nâng đỡ… Vì những món nợ này tôi buộc bản thân luôn phấn đấu hết mình, dù đời và nghề luôn có lúc thăng trầm, có lắm buồn vui…
Ngày “tết nghề” - 21/6 là dịp để cánh làm nghề chúng tôi được giãi bày, chia sẻ. Nhân đây xin góp một chút tâm tình bằng chữ duyên, chữ nợ với Báo Bạc Liêu - nơi tôi đã từng mơ ước có tên mình trong đó, nơi đón nhận và nâng đỡ tôi từng bước vào nghề, dạy cho tôi những bài học nghề và cả những bài học đời hữu ích để tôi trưởng thành. Vì chữ nợ, chữ duyên ấy, tôi sẽ còn nỗ lực để góp công sức của mình vì sự phát triển của Báo Bạc Liêu.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.