Đừng để “báu vật” bị mai một!

Thứ Sáu, 12/08/2016 | 16:36

Đờn ca tài tử (ĐCTT) không còn là “báu vật” của riêng vùng đất Nam bộ, của dân tộc Việt Nam mà đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Được cả thế giới vinh danh, song loại hình nghệ thuật độc đáo này lại đang đối mặt với nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Là một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT, Bạc Liêu cần có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ và phát huy giá trị của “báu vật” vô giá này.

Ngày càng mất “lửa”
Sau Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 (gọi tắt là Festival), UBND tỉnh đã ban hành để án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Đề án được ra đời đúng thời điểm và mang ý nghĩa như “chiếc phao” khi nghệ thuật ĐCTT đang đứng trước bờ vực mai một. Ngay lập tức, đề án đã phát huy tác dụng khi hàng loạt hoạt động như: mở lớp dạy hát bản Dạ cổ hoài lang, ĐCTT; hội thi, giao lưu ĐCTT; tham quan và tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT; nâng cao kỹ năng đờn và sáng tác cho nghệ nhân… được tổ chức rầm rộ từ tỉnh đến cơ sở. Có thể khẳng định, phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu thời “hậu Festival” diễn ra rất sôi nổi, tôn vinh được giá trị đích thực của loại hình âm nhạc độc đáo này. Chất lượng phong trào còn kéo theo số lượng câu lạc bộ ĐCTT được thành lập rộng khắp từ các khóm - ấp, phường - xã đến cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Thậm chí, các dân tộc anh em Khmer và Hoa ở Bạc Liêu cũng bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của ĐCTT. 
Những tưởng, phong trào sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, nhưng thời gian gần đây đang có dấu hiệu tuột dốc không phanh. Nguyên nhân được nghệ nhân Từ Duy Toàn (Chủ nhiệm câu lạc bộ ĐCTT TP. Bạc Liêu) lý giải là: “Do thiếu sân chơi, các câu lạc bộ ĐCTT không thiếu nhạc cụ, kinh phí hoạt động, công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa chưa thực hiện thường xuyên… mà niềm đam của mọi người dành cho ĐCTT cũng vơi dần đi”.
Theo ngành chức năng, Bạc Liêu chỉ mở 1 lớp dạy ĐCTT trong năm 2015 và đến thời điểm này của năm 2016 vẫn chưa mở thêm lớp nào nữa. Bên cạnh công tác đào tạo, phong trào còn dần mất đi sự sôi động, tưng bừng vốn có. Theo mục tiêu của đề án sẽ tổ chức giao lưu, liên hoan ĐCTT 1 lần/năm từ cấp xã, huyện và tỉnh. Thế nhưng, hơn 2 năm sau Festival, số địa phương tổ chức thi, diễn về ĐCTT rất khan hiếm. Đến nay, chỉ huyện Vĩnh Lợi tổ chức được hội thi ĐCTT năm 2015, hay huyện Đông Hải duy trì hội thi Giọng hát hay (có phần thi cổ nhạc). Tuy nhiên, những sân chơi này đều có quy mô nhỏ và dành cho thí sinh tại địa phương, chứ chưa có những liên hoan lớn để giới tài tử trong tỉnh thể hiện tài năng.

Những tài tử “nhí” Bạc Liêu tham gia liên hoan ĐCTT Nam bộ toàn quốc lần thứ I - năm 2014 (một hoạt động trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014). Ảnh: H.T

Tre già, măng… chưa mọc!

Không chỉ là một trong những “chiếc nôi” quan trọng của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, mảnh đất giàu bản sắc văn hóa này còn sản sinh ra những con người tài hoa hiến trọn cuộc đời cho nghệ thuật ĐCTT như: Lê Tài Khí (Nhạc Khị), Lư Hòa Nghĩa, Trịnh Thiên Tư, Trần Tấn Hưng, Ba Chột… Ngoài công khai sáng, các bậc tiền nhân còn gây dựng ĐCTT trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Tiếp nối thành quả của những người đi trước, “thế hệ vàng” như: Tư Loan (đờn kìm), Thanh Sử (đờn tranh), Duy Minh, Hoàng Phúc (đờn ghi-ta), Hoàng Phĩ, Hoàng Đen (đờn bầu), Minh Khương (đờn cò), Thanh Trực, Tuấn An (tài tử ca)… đã và đang làm rạng danh phong trào ĐCTT Bạc Liêu. Nhìn vào những con người ấy, chúng ta sẽ cảm thấy rất đổi tự hào, nhưng cũng không ít lo lắng, bởi hầu hết họ nay đã ở tuổi xế chiều, trong khi Bạc Liêu lại chưa có đội ngũ kế thừa sáng giá. 
“ĐCTT đã ra đời hơn 100 năm, cùng cha ông đi mở cõi và tuôn chảy cùng những thăng trầm lịch sử. Nếu nghệ thuật này không được bảo tồn và phát huy thì thật đáng tiếc! Không phải Bạc Liêu không có những con người ưu tú, mà vấn đề nằm ở công tác giáo dục, chăm bồi và đầu tư chưa thật sự hiệu quả”, nghệ nhân ưu tú Lâm Duy Minh trăn trở.

Tìm lại “ ánh hào quang” cho ĐCTT
Không chỉ Bạc Liêu, sự tuột dốc của phong trào ĐCTT đang là tình cảnh chung của nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ. Do đó, các địa phương cần có những giải pháp thiết thực để tìm lại “ánh hào quang” cho ĐCTT. 
Đối với Bạc Liêu, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng hơn để mỗi người thấy được tính cấp thiết của công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Đặc biệt, cần thực hiện có hiệu quả và thường xuyên việc chăm bồi, phát triển nguồn nhân lực kế thừa với những lộ trình bài bản, phù hợp theo từng nhóm đối tượng. Cùng với đó là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm và đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa xã, nhà văn hóa ấp. Trong điều kiện khó khăn, các địa phương không nên trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của ngành chức năng mà phải chủ động thực hiện công tác xã hội hóa, xây dựng nguồn quỹ sinh hoạt, giao lưu để duy trì “nguồn sống” cho ĐCTT.
Một vấn đề vô cùng cấp thiết để vực dậy phong trào ĐCTT là thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan... Không những tạo điều kiện cho giới tài tử giao lưu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, việc làm này còn là “chất kích thích” hiệu quả để mỗi người, mỗi nhà tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy niềm đam mê ĐCTT trong cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu Nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT.
Thời gian thực hiện đề án vẫn còn đủ dài để Bạc Liêu tiếp tục triển khai những giải pháp hay nhằm khôi phục lại vị thế xứng đáng cho ĐCTT. Một khi ngành chức năng, các địa phương, những người đam mê nghệ thuật ĐCTT có sự quan tâm đúng mức, kịp thời thì “báu vật” này sẽ mãi tỏa sáng và trường tồn theo thời gian.

HỮU THỌ

GS-TS Trần Văn Khê từng chia sẻ: Nghệ thuật ĐCTT được Unesco vinh danh là một sự kiện trọng đại, là niềm vui lớn và tự hào của mỗi người con Việt Nam vì giá trị tinh hoa của dân tộc được đúc kết từ nhiều năm qua, nay đã được con cháu tiếp nối, tôn vinh và được cả thế giới biết đến. Tôi rất mừng và cảm ơn Bạc Liêu đã tiên phong tổ chức sự kiện Festival ĐCTT lần đầu tiên với quy mô toàn quốc. Dù là môn nghệ thuật nào thì yếu tố quan trọng nhất để nó không bị mai một là con người - lớp người kế cận. Muốn làm được điều này, Bạc Liêu cần quan tâm công tác đào tạo, đưa nghệ thuật ĐCTT vào học đường để các bạn trẻ hiểu rồi thương, thương rồi học, học rồi sẽ gìn giữ.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.