Dù kê... lưu diễn

Thứ Sáu, 26/05/2023 | 16:33

Thực hiện kế hoạch công tác năm và nhằm bảo tồn loại hình sân khấu dù kê, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Nam Bộ; trong năm 2023, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu (thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu) sẽ biểu diễn 30 suất phục vụ cơ sở. Đa số các chương trình biểu diễn đều có các vở dù kê - một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng.

Vở dù kê “Chuyện tình nàng Sô Vanl Pô Pa” do Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu biểu diễn.

ĐẾN CHÙA XEM DÙ KÊ

Tối 22/5 là đêm diễn thứ hai ở chùa Điền (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), Nghệ sĩ ưu tú Thạch Mô Ly - Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer  Bạc Liêu có mặt từ rất sớm để chỉ đạo ê-kíp trước lúc biểu diễn. Anh kể: “Trước khi đoàn đến biểu diễn thường liên hệ với Ban trị sự các chùa để chùa sắp xếp, thông báo cho bà con biết để đến xem”. Theo chân đoàn, nhìn bà con hồ hởi kéo nhau đến chùa xem dù kê mới rõ, cho đến bây giờ, dù kê vẫn là “món ăn tinh thần” hấp dẫn của bà con. Hơn nữa, ở vùng sâu, vùng xa thế này, nơi ít có cơ hội được hưởng thụ nhiều loại hình giải trí phong phú, thì dù kê lưu diễn đem đến niềm vui cho không ít bà con.

Đa số bà con đến từ rất sớm để chọn cho mình vị trí ngồi gần sân khấu nhất. Chị Danh Thị Chúc Ly (ấp Vĩnh Mẫu) khi được hỏi: “Xem có mê không?”, chị vừa cười vừa gật đầu nói: “Mê lắm, nghe đoàn đến là tôi sắp xếp việc nhà để xem, không bỏ đêm nào. Hôm qua là vở “Huyền thoại tình yêu”, tối nay vở “Chuyện tình nàng Sô Vanl Pô Pa”. Mỗi đêm vở khác nhau, không xem thì tiếc lắm”.

Vở vào diễn chừng 10 phút thì hàng ghế khán giả đã đông nghẹt. Có những người đến trễ cũng tìm được chỗ thích hợp là những bậc tam cấp của chùa (đối diện sân khấu)… Là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở phum sóc, các ngôi chùa thường là điểm hẹn mà Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu về phục vụ bà con. Chùa Điền, chùa Đìa Chuối (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) mấy đêm đoàn lưu diễn phục vụ, cứ vui như mở hội…

Người dân đến chùa Điền (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) xem dù kê. Ảnh: C.T

GIỮ GÌN DI SẢN

Có chứng kiến những ánh mắt chăm chú hướng về sân khấu mới thấy tình yêu đối với nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Bạc Liêu chưa bao giờ cạn. Khi họ yêu cũng chính là đóng góp phần gìn giữ sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này. Chị Thạch Thị Hạnh cùng chồng đi xem và không quên dẫn theo đứa cháu ngoại đi cùng. Vừa xem, chị Hạnh vừa giới thiệu từng nhân vật cho cháu mình hiểu. Nhân vật chính diện luôn gặp bất trắc, sóng gió nhưng sau cùng cái thiện luôn thắng cái ác. Cho con cháu xem những vở dù kê có ý nghĩa như vậy, người lớn còn muốn dạy trẻ nhỏ bài học về lòng lương thiện, đức tính vị tha, sống đẹp để gặp điều lành.

Mang dù kê đi lưu diễn vừa phục vụ đời sống tinh thần của bà con vùng sâu, vừa là cách thiết thực để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. Làm tươi mát đời sống văn hóa cộng đồng nơi phum sóc cũng là đang làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây là giải pháp trước mắt cho dù kê, chuyện lâu dài còn là cả một hành trình: nghiên cứu phương pháp bảo tồn, phát triển thích ứng thời đại mới, đào tạo đội ngũ kế thừa, làm sao để diễn viên sống được với nghề…

Dù kê lưu diễn đã thật sự tắm tưới đời sống tinh thần cho bà con các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Bình trong suốt gần một tuần anh em lặn lội đường xa. Năm 2023, Nhà hát Cao Văn Lầu được giao 100 suất, trong đó Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu biểu diễn 30 suất diễn phục vụ bà con Khmer ở cơ sở. Niềm vui này của rất nhiều người: từ những anh em diễn viên luôn giàu tâm huyết cho đến những khán giả vùng sâu luôn khát khao được xem những vở dù kê.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.